Năm 1985, khi Hawking mất đi khả năng nói, công ty Equalizer đã cung cấp cho Hawking một chiếc Apple II gắn với thiết bị tạo tiếng nói do công ty Speech Plus sản xuất. David Mason đã hoàn thiện nó để gắn được nó lên tay ghế của Hawking. Hệ thống này giúp Hawking chỉ cần dùng một nút bấm để chọn từ và câu lệnh trên máy tính với tốc độ 15 từ/ phút.
Mối duyên của Hawking và Intel bắt đầu từ năm 1997, nhà đồng sáng lập của Intel là Gordon Moore gặp Stephen Hawking tại một hội nghị. Khi đó, Hawking đang sử dụng một chiếc máy tính có bộ xử lý AMD để nói chuyện với mọi người. Gordon đã hỏi Hawking có muốn một chiếc máy tính với bộ xử lý của Intel? Hawking đồng ý, và từ đó Intel trở thành nhà cung cấp máy tính cho ông.
Mỗi 2 năm 1 lần, Intel thay mới máy tính và hỗ trợ kỹ thuật cho Hawking khi ông cần. Cho đến 2008, Hawking không bấm nút để nói chuyện được nữa. Ông đã dùng một thiết bị hồng ngoại có tên là “nút má” (cheek switch) gắn lên kính và thiết bị này theo dõi cơ má của Hawking để viết chữ. Tuy nhiên đến 2011, do khả năng điều khiển cơ giảm nên Hawking chỉ còn nói được 2 từ/ phút.
Hawking đã gửi thư đến Gordon Moore nhờ giúp đỡ và Intel đã triệu tập một nhóm chuyên gia về tương tác giữa máy và người. Nhóm này đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi hầu hết các bộ phận trên người của Hawking không hoạt động hoặc phát ra tín hiệu quá yếu, không đủ để điều khiển máy.
Mất nhiều tháng, nhóm chuyên gia của Intel mới tạo ra được phần mềm phù hợp với Hawking dựa trên quan sát cơ mặt của Hawking và dữ liệu về thói quen sử dụng máy tính của ông. Đó là hệ thống đoán từ mới tới từ SwiftKey kết hợp với những thông tin của Intel bởi Hawking đã quen với hệ thống quen thuộc trước đó của mình. Hệ thống mới này có hàng loạt phím tắt như tìm kiếm, soạn email, điều khiển bài giảng,…
Nhờ đó, Hawking đã giao tiếp được với thế giới để truyền tải những phát kiến và ý tưởng đầy ý nghĩa của mình. Ông đã qua đời vào ngày 14/3, để lại một sự nghiệp nghiên cứu vĩ đại và vẻ vang hàng đầu thế giới.