Thời gian qua, Apple đã thay đổi kế hoạch mua nguyên liệu làm pin điện thoại (cobalt), theo đó Apple không mua từ các nhà cung cấp nữa mà chuyển sang mua trực tiếp từ các mỏ.
Trên tờ Fortune, nhà phân tích Ewan Spence đặt ra một số câu hỏi thú vị về tương lai của iPhone với Apple thông qua động thái này. Có phải đây là dấu hiệu chỉ cho thấy lợi nhuận iPhone đem lại hiện không còn cao như xưa và khả năng quản lý chuỗi cung ứng của Tim Cook không đem lại hiệu quả như trước?
Trên thực tế, vòng đời của iPhone đã quá dài. Ra đời từ năm 2007, iPhone trở thành cỗ máy in tiền cho Apple và đã trở thành chiếc smartphone có vòng đời dài chưa từng có với bất cứ dòng điện thoại nào trên thị trường từ trước đến nay. Với cách quản lý hiệu quả của Tim Cook, lợi nhuận do iPhone đem lại không ngừng tăng lên. Thậm chí, giá cao chót vót của iPhone X vẫn được thị trường thế giới chấp nhận.
Để duy trì sức phát triển của Apple, Tim Cook đã sử dụng chiến lược cắt giảm hàng tồn kho, mua lại công nghệ và giám sát tốt các nguồn lực làm tăng hiệu quả sản xuất và từ đó lợi nhuận tăng lên. Tuy vậy, theo Ewan, chiến lược này đang dần bộc lộ những vấn đề của mình.
Đầu tiên là sức mua iPhone đã sụt giảm. Apple đã dự đoán sai về doanh thu của iPhone X khiến sau đó hãng phải cắt giảm đơn đặt hàng màn hình OLED trong quý 1/2018 từ 40 triệu chiếc xuống còn 20 triệu chiếc. Lượng hàng tồn do Apple cắt giảm đơn đặt hàng có thể được Samsung sử dụng cho các smartphone Android khác và khách hàng có thể chọn mua chúng thay vì iPhone.
Thêm vào đó, hệ điều hành iOS đã đạt đến giai đoạn ổn định và khó có thể tạo ra sự bứt phá. Những lỗi bảo mật lớn và lỗ hổng trên iOS cần nhiều thời gian và công sức hơn để khắc phục. Vì thế, chuyện Apple tiết kiệm chi phí bằng cách mua trực tiếp cobalt từ các mỏ cho thấy Apple đang cố gắng để duy trì đà phát triển của mình trước những khó khăn mới.