Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung trong năm nay đã đặt vấn đề phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Việc chứng kiến mã giao dịch của các doanh nghiệp này xuất hiện trên sàn chứng khoán Mỹ có thể là câu chuyện xảy ra trong vài năm tới.
VinFast và giấc mơ IPO tại Mỹ
Mới đây, thông tin Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, công bố kế hoạch tái cấu trúc đơn vị ô tô VinFast để chuẩn bị IPO tại Mỹ đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của tập đoàn hôm thứ Bảy (4/12): "Công ty mới, VinFast Singapore, là một bước để biến VinFast thành công ty toàn cầu và chuẩn bị cho IPO tại Mỹ".
Nhận định về kế hoạch niêm yết tại Mỹ, Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy cho biết nếu thành công sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận nguồn vốn quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển, nâng cao vị thế trở thành thương hiệu toàn cầu. Bên cạnh đó, bà Thủy giải thích phải "đi đường vòng" niêm yết VinFast Singapore trên sàn Mỹ thay vì VinFast Việt Nam do việc niêm yết công ty Việt tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ thiếu liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp, trong khi “Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này".
Tờ KR Asia nhận định có nhiều lý do để VinFast thu hút các nhà đầu tư bán lẻ ở nước ngoài, trong đó có yếu tố uy tín và thanh khoản, nhưng cũng có thể vì làm điều đó ở thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) là phức tạp và khó khăn hơn. Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, nhận định qua tờ KR Asia rằng việc niêm yết ở nước ngoài giúp tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, nơi chi phí vốn rẻ hơn so với Việt Nam.
Tuy vậy, cũng theo các nhà phân tích, VinFast có thể được sự ủng hộ của tập đoàn để trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài, nhưng các công ty khác phải đối mặt với một loạt thách thức như phê duyệt quy định, giới hạn sở hữu nước ngoài và hạn chế ngoại hối. Chris Milliken, cộng sự cấp cao tại công ty luật Freshfields Bruckhaus, cho biết “Chế độ đầu tư của Việt Nam hiện cởi mở hơn so với trước đây theo luật chứng khoán mới, nhưng đây vẫn là một chế độ quản lý có giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với một số lĩnh vực nhất định”.
Sự lựa chọn của các công ty Đông Nam Á
Vào tháng 11 năm nay, công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam Tiki đã huy động được 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do Công ty AIA Insurance dẫn đầu. Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập kiêm CEO Tiki chia sẻ với hãng Bloomberg, "Điều này cho thấy niềm tin của thị trường vốn toàn cầu vào tiềm năng và sự tăng trưởng của Việt Nam". Công ty muốn thúc đẩy IPO tại Mỹ sớm 1 năm so với kế hoạch ban đầu (năm 2025), có thể thông qua hình thức SPAC (sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt).
Công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam VNG vào tháng 8/2021 cũng cho biết đang làm việc với cố vấn tài chính về thỏa thuận tiềm năng với các công ty SPAC. Giao dịch này có thể định giá VNG ở mức 2 - 3 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Bamboo Airways cho biết có kế hoạch IPO tại Mỹ, mục tiêu huy động vốn khoảng 200 triệu USD thông qua phát hành 5 – 7% cổ phần. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways, chia sẻ: “Kế hoạch IPO tại Mỹ là một phần trong tiến trình mở rộng mạng lưới dịch vụ trên quy mô toàn cầu của Bamboo Airways”.
Ở phạm vi khu vực Đông Nam Á, một số công ty trong thời gian qua đang cuốn theo làn sóng IPO thông qua SPAC. Đầu tháng này, thương vụ nổi bật của Grab (Singapore) lên sàn chứng khoán Mỹ đánh dấu thương vụ SPAC lớn nhất thế giới với định giá 40 tỷ USD. Tháng 8/2021, Công ty công nghệ Bukalapak (Singapore) đã trở thành “kỳ lân đầu tiên” của Đông Nam Á lên sàn chứng khoán trong khu vực. Trước đó năm 2017, Công ty SEA Ltd (Singapore) đã lên sàn nhưng niêm yết tại Mỹ.
Ông Anthony Tan, CEO kiêm đồng sáng lập Grab, cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm để Đông Nam Á tỏa sáng". Theo Tay Hwee Ling, trưởng nhóm cố vấn tại Deloitte Asean và Singapore, cho biết: "Mọi ánh mắt giờ đây đổ dồn vào khu vực Đông Nam Á, với thanh khoản dồi dào của hàng loạt IPO bom tấn”, “Với tiềm năng tăng trưởng và các cơ hội chưa được khai thác ở Đông Nam Á, tôi lạc quan về những gì thị trường vốn của khu vực có thể đạt được vào năm 2022”.
SPAC có thể là con dao hai lưỡi
Những năm gần đây, nhiều công ty đã chọn phương thức sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển sang công ty đại chúng.
Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), các đợt IPO theo phương thức SPAC chiếm hơn một nửa số đợt IPO ở Mỹ năm 2020.
Là công ty mới thành lập, SPAC không có lịch sử tài chính dài để báo cáo cho Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) và các nhà đầu tư có thể được hoàn trả đầy đủ tiền nếu SPAC không mua lại công ty trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, phương thức SPAC cũng tiềm ẩn những rủi ro.
George Gagliardi, nhà hoạch định tài chính ở Lexington (Mỹ), cho biết: “Đó (SPAC) là việc đưa tiền của bạn cho một tổ chức không sở hữu bất cứ thứ gì nhưng nói với bạn rằng “Hãy tin tôi, tôi sẽ thực hiện tốt những vụ mua lại”. Giống như một người đánh bóng chày mà đeo khăn bịt mắt, bạn không biết điều gì đang đến với mình”.
Mới đây, startup hàng đầu khu vực Đông Nam Á là Grab cũng thực hiện niêm yết trên Nasdaq thông qua SPAC Altimeter Growth Corp với định giá 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự sụt giảm giá cổ phiếu Grab trong ngày đầu tiên (2/12) lên sàn Mỹ được nhà phân tích nhận định là lời cảnh báo cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á khác đang lên kế hoạch niêm yết cần có "mức định giá thực tế hơn".
Angus Mackintosh, nhà sáng lập Cross ASEAN Research, cho biết: “Một màn lên sàn thật sự sẽ không bao giờ dễ dàng dưới danh nghĩa hợp nhất của SPAC tiếp cận thị trường và trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron”.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định về tầm quan trọng của việc lựa chọn thời điểm IPO rằng: "Các đợt IPO cũng liên quan đến thời điểm và sự may rủi như bất cứ điều gì khác”, “Grab ra mắt thị trường giữa một tâm lý vừa thận trọng vừa mong manh".
Chris Milliken, cộng sự cấp cao tại công ty luật Freshfields Bruckhaus, nhận định việc niêm yết thông qua SPAC có thể giúp tránh các yêu cầu phức tạp, nhưng chỉ số ít công ty công nghệ Việt Nam đủ lớn để được mua bởi SPAC.
Hà Thanh