Đàm phán có điều kiện
Theo Reuters, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran có thể tiến hành đàm phán với Mỹ chỉ khi Washington chứng minh được sự đáng tin cậy của họ sau khi nước này đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tuyên bố của người đứng đầu Iran được đưa ra sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran theo quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ các cuộc đàm phán và ngoại giao…Nhưng đàm phán cần tin cậy”.
“Lời kêu gọi đàm phán trực tiếp của ông Trump chỉ vì vấn đề tiêu thụ nội địa ở Mỹ trước cuộc bầu cử… và tạo nên những xáo trộn ở Iran”, người đứng đầu Iran cho biết thêm.
Các đồng minh châu Âu dù cố gắng nhưng đã thất bại trong việc thuyết phục ông Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân 2015 mà theo đó Iran đồng ý hạn chế chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được cộng đồng quốc tế xoá bỏ trừng phạt.
Tổng thống Iran tuyên bố: “Mỹ sẽ phải hối tiếc vì áp đặt trừng phạt với Iran…Họ đã bị cô lập với thế giới. Họ đang áp đặt trừng phạt vào những trẻ em, bệnh nhân và dân tộc Iran”.
Việc trừng phạt này đã làm tổn thương nền kinh tế Iran, làm cho đồng nội tệ Iran giảm giá trong năm nay và Chính phủ nước này phải đương đầu với các cuộc biểu tình. Tổng thống Rouhani cũng kêu gọi người dân Iran đoàn kết vượt qua khó khăn này.
“Có nhiều khó khăn vì trừng phạt nhưng chúng ta sẽ vượt qua bằng tinh thần đoàn kết”, Tổng thống Iran tuyên bố.
Đằng sau các giải pháp trừng phạt của Mỹ
Mỹ cho biết, cách duy nhất Iran có thể ngăn chặn lệnh trừng phạt là đồng ý các cuộc đàm phán mới nhằm xoá bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Ông Trump khẳng định biện pháp trừng phạt Iran mà Washington đưa ra nhằm mục tiêu gây sức ép tối đa về kinh tế đối với Iran.
Theo đó, Chính phủ Iran sẽ bị cấm mua đồng USD, bị chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, cùng với than và các phần mềm công nghiệp.
Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sang đầu tháng 11 tới, Mỹ cũng dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng Trung ương Iran.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là thỏa thuận "tồi và một phía".
Tuy nhiên, ông cũng cho biết "vẫn để ngỏ việc đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn", theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo. Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran bất kỳ lúc nào.
Và những nguy cơ khó lường
Khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ký một thỏa thuận khác với nước này nhằm mục đích tối hậu rằng, Tehran không bao giờ có được vũ khí nguyên tử, bảo đảm an ninh cho người dân Mỹ và xa hơn nữa là đòi hỏi quốc gia Hồi giáo bớt can dự vào Trung Đông, nhất là với đồng minh Israel.
Thứ vũ khí mà ông Trump muốn sử dụng để buộc Iran phải làm theo yêu cầu của ông là dầu mỏ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù Iran có thể sớm nhìn thấy lượng dầu xuất khẩu của mình sụt giảm mạnh từ nay đến cuối năm vì chính sách cấm vận của Mỹ nhưng châu Âu, Nga và Trung Quốc đã cam kết ủng hộ xuất khẩu dầu của Tehran bất chấp lệnh cấm vận của Washington.
Một lý do khác khiến ông Trump khó có thể ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Tehran, đó là nước cộng hòa Hồi giáo này đang có trong tay vũ khí lợi hại là eo biển chiến lược Hormuz.
Với chiều rộng khoảng 40km, eo biển này có một vị trí chiến lược quan trọng, là nơi trung chuyển của hơn 30% lượng dầu xuất khẩu thế giới. Nói một cách cụ thể, nếu Iran đóng cửa eo biển này, thế giới bị thiếu dầu. Đó là chưa kể Mỹ đang duy trì một hoạt động quân sự quan trọng tại đây, với sự hiện diện của Hạm đội 5.
Giới nhận định cũng cho rằng những biện pháp của Washington khó có thể làm kinh tế Iran lâm vào suy thoái.
Ngược lại, động thái này còn làm gia tăng khả năng Tehran thực hiện các bước đi nhằm khôi phục hoạt động trong chương trình hạt nhân bị hạn chế theo JCPOA, đồng thời gây mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu do bất đồng về thỏa thuận đã ký với Iran.