Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đánh giá, những khác biệt còn tồn tại giữa Tehran và phương Tây trong đàm phán tại Vienna (Áo) hiện nay “ít hơn số ngón tay trên một bàn tay" và thái độ của Mỹ sẽ quyết định việc các bên có thể nhanh chóng đạt thỏa thuận hay không.
“Nếu Mỹ có cách tiếp cận hợp lý, hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận nhanh chóng", ông Saeed Khatibzadeh nói.
Theo ông, Tehran sẽ quyết định về khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ dựa trên cách hành xử của Washington chứ không phải “những thông điệp mập mờ hay khó biết kết quả sẽ ra sao".
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 7/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian. Phát biểu tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran cần đảm bảo để tất cả các bên liên quan được phép hợp tác không hạn chế ở mọi lĩnh vực mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Trong một tuyên bố trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran đã khẳng định những đóng góp của Nga trong tiến trình đàm phán luôn mang tính xây dựng.
Hôm 5/3, ông Lavrov cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Nga liên quan vấn đề Ukraine đã trở thành một trở ngại đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo đó, Moscow yêu cầu có các đảm bảo từ phía Mỹ rằng các lệnh trừng phạt Nga liên quan vấn đề Ukraine không gây tổn hại các quyền của Nga hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư với Iran phù hợp với thỏa thuận hạt nhân. Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Khởi động từ tháng 4/2021 tại Vienna, cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký năm 2015 song Mỹ đã rút đi, đến nay đã diễn ra 8 vòng. Tham gia đàm phán trực tiếp, có các đại diện của Iran, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức, trong khi Mỹ chỉ đàm phán gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU).
Nhấn mạnh tính chất đặc biệt quan trọng của giai đoạn đàm phán hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington nhận thấy chương trình hạt nhân Iran đã có những bước tiến mà thỏa thuận ký năm 2015 không còn bảo đảm được những lợi ích cơ bản, nếu không được sửa đổi.
Trong khi đó, Iran kêu gọi các nước phương Tây cần quyết định trong một số vấn đề quan trọng để cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đạt kết quả. Iran nêu rõ, các vấn đề còn tồn đọng hiện nay gồm mức độ rút lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, việc bảo đảm Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và vấn đề thực hiện cam kết hạt nhân của Iran.
Hôm 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, Tehran muốn đạt thỏa thuận nhưng sẽ không chờ đợi vô hạn. Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thời hạn nào do phương Tây đơn phương đặt ra đối với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Phía Iran đồng thời nhấn mạnh rằng, việc đạt thỏa thuận là “trong tầm tay” và Mỹ cần đưa ra quyết định. Tehran khẳng định, nếu Mỹ và các nước phương Tây tôn trọng các yêu sách hợp lý của Iran và đưa ra các quyết định, chắc chắn Iran có thể ký thỏa thuận hạt nhân trong thời gian sớm nhất.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân Dân)