Truyền hình Nhà nước Iran ngày 10/4 đưa tin, các nhà lập pháp nước này đã yêu cầu Mỹ cung cấp đảm bảo pháp lý để ngăn chặn các chính phủ tương lai của Mỹ rút khỏi thỏa thuận tiềm năng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo tuyên bố được 250 nghị sĩ Iran ký, Mỹ cần cung cấp cho nước Cộng hòa Hồi giáo sự đảm bảo pháp lý cần thiết rằng Washington sẽ không rút khỏi JCPOA một lần nữa, và vấn đề này phải được bảo đảm từ các thể chế ra quyết định của Mỹ, trong đó có Quốc hội, dưới hình thức hoàn toàn hợp pháp nhằm không gây ra trở ngại nào đối với việc thực hiện thỏa thuận trong tương lai.
Ngoài ra, Mỹ cần cam kết các lệnh trừng phạt sau khi dỡ bỏ sẽ không được tái áp đặt và Iran có quyền xuất khẩu dầu sang bất kỳ quốc gia nào với số lượng đã thỏa thuận. Tehran cũng có thể nhận được doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho hay, nước này chưa và sẽ không rời bỏ các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo), đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Iran muốn tìm cách bảo đảm quyền của người dân thông qua thoả thuận.
Tổng thống Raisi cũng tuyên bố, Tehran sẽ không từ bỏ quyền phát triển ngành công nghiệp hạt nhân vì mục đích hòa bình và các bên tham gia đàm phán khôi phục JCPOA nên tôn trọng quyền này. Ông Raisi khẳng định, Iran sẽ không nhượng bộ để bảo vệ quyền phát triển hạt nhân của mình.
Nhân kỷ niệm Ngày Công nghệ hạt nhân quốc gia, Iran cũng công bố nhiều thành tựu hạt nhân quan trọng. Một số thành tựu đáng chú ý gồm ba loại dược phẩm sử dụng công nghệ phóng xạ để chẩn đoán bệnh, công nghệ huyết tương lạnh và liệu pháp huyết tương để điều trị bệnh nhân ung thư, các phát minh trong lĩnh vực công nghiệp, laser...
JCPOA được ký năm 2015, theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đồng thời yêu cầu đàm phán lại về những điều khoản mà Washington cho là lỏng lẻo. Tehran không chấp nhận yêu cầu này và Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna (Áo) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU), song hiện các bên đều cho rằng cả Tehran và Washington cần phải có các quyết định chính trị để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân Dân)