Đòn đáp trả dữ dội
Khi Iran phóng tên lửa đạn đạo vào Syria hôm 1/10, thông điệp của nước này chính là nhằm vào những quốc gia kẻ thù: Mỹ, Israel và Saudi Arabia, tờ NBC nhận định.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã nhắm mục tiêu vào các nhóm chiến binh nổi dậy nhằm trả đũa cho vụ xả súng vào lễ duyệt binh hôm 22/9, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và làm bị thương thêm 60 người khác ở Ahvaz, miền tây nam Iran.
Một trong những tên lửa được phóng đi được truyền hình Nhà nước Iran ghi lại hình ảnh mang theo các cụm từ như: "Chết chóc cho Mỹ, Chết chóc cho Israel, Chết chóc cho hoàng gia Saudi".
"Trong một vài phút, thế giới của những kẻ kiêu ngạo - đặc biệt là Mỹ, Israel và Saudi Arabia - sẽ nghe thấy những tiếng xé gió của Iran lặp đi lặp lại", một phóng viên bình luận sau khi tên lửa phóng lên bầu trời đêm.
Trong khi mối quan hệ của Tehran với Israel, Saudi Arabia và Mỹ vẫn chưa thể cải thiện từ cuộc cách mạng vào năm 1979, căng thẳng giữa quốc gia Hồi giáo với Mỹ và đồng minh khu vực đã tăng lên thời gian gần đây.
Mỹ, Israel và các quốc gia vùng Vịnh đang nỗ lực đẩy lùi sự hiện diện Iran ở Iraq, Lebanon, Afghanistan và Syria - nơi Tehran là một trong những người ủng hộ chính của Tổng thống Bashar al-Assad.
Thay vì chịu bị đè bẹp dưới áp lực, Tehran đã tăng cường động thái của mình lên gấp đôi, theo Sanam Vakil, học giả tại trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins châu Âu.
“Iran nói chung có một mô hình tấn công bất đối xứng”, Vakil nhận định. “Họ sẽ không đưa ra phản ứng làm tổn hại trực tiếp đối với Saudi hay với Mỹ, nhưng thông điệp thực sự là để gửi tới Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh”.
Căng thẳng gia tăng trong nhiều tháng qua, đặc biệt là kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Kể từ đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo đối với Iran và đe dọa sẽ ngăn chặn nước này xuất khẩu dầu.
Tham gia cùng với Mỹ là các quốc gia Hồi giáo Sunni dẫn đầu bởi Saudi Arabia, luôn coi Iran là quốc gia đối địch sâu sắc.
Cả hai đều tham gia vào một số xung đột mà có thể nhắc tới nhiều nhất là ở Yemen.
Trong khi đó, Israel coi Iran là mối đe dọa lớn nhất của mình, đồng thời tiến hành hàng trăm cuộc không kích để làm tổn hại sức mạnh của Iran và Hezbollah, đẩy kẻ thù ra khỏi biên giới phía Bắc nước này.
Bình luận về cuộc tấn công trả đũa của Iran, chuyên gia Ali Fathollah-Nejad từ trung tâm Doha Brookings cho biết, Tehran đang lợi dụng các cuộc tấn công để kiểm tra chương trình vũ khí gây tranh cãi của mình.
"Iran đã sử dụng sự cố để thử nghiệm các tên lửa đạn đạo của mình, phá vỡ những lời chỉ trích quốc tế khi cuộc tấn công này được coi là phản ứng đối với những kẻ đứng đằng sau vụ xả súng", ông nói.
Trong khi đó, Massoud Shadjareh, người sáng lập ủy ban Nhân quyền Hồi giáo, nói với Sputnik: "Iran mặc dù đã đưa ra phản ứng nhanh chóng và chính xác đối với vụ việc trước đó, nhưng họ không thực sự hành động để làm leo thang và mang đến bất an cho toàn bộ khu vực".
Shadjareh cho rằng đây là một động thái khá khôn ngoan, bởi vì mục tiêu của những kẻ khủng bố luôn là tạo ra bất ổn lớn hơn và lan truyền xung đột ra cả khu vực. Phản ứng có chừng mực của Iran là thích hợp nhất ở thời điểm hiện tại.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Vệ binh Cách mạng Iran nói "những kẻ khủng bố" bị nhắm mục tiêu ở Syria trong vụ phóng tên lửa trả đũa được Mỹ, Israel và Saudi hỗ trợ.
Sẽ có kịch bản không ai muốn chứng kiến?
Theo Foad Izadi, Giáo sư nghiên cứu thế giới tại đại học Tehran, ba chính phủ này đang hậu thuẫn cho những kẻ khủng bố hoạt động bên trong Iran. "Có nhiều công cụ sẽ được các nhà chức trách Iran thực thi để đảm bảo khủng bố không xảy ra thêm một lần nữa, và sử dụng tên lửa đạn đạo chỉ là một trong số rất nhiều công cụ đó", ông nói.
Vụ phóng tên lửa trả đũa mà Iran đưa ra cũng theo sau bài phát biểu gây chú ý của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Liên Hợp Quốc cách đây không lâu.
Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhà lãnh đạo Israel cáo buộc Iran có “nhà kho vũ khí hạt nhân bí mật” đặt ở ngay gần thủ đô, bất chấp việc nước này đã có thỏa thuận ngừng phát triển vũ khí hạt nhân với các cường quốc thế giới vào năm 2015.
Israel coi Iran là mối đe dọa lớn nhất và từ lâu phản đối hiệp ước hạt nhân nói trên. “Căng thẳng dường như nóng lên. Netanyahu đang tỏ ra giận dữ”, học giả Vakil đánh giá.
Vakil chỉ ra rằng người Israel đã tấn công Iran ở Syria hơn 100 lần trong năm qua và cảnh báo rằng những bất đồng chồng chéo và căng thẳng như vậy sẽ mang đến một tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Vấn đề là những điểm xung đột này không chỉ nằm ở Syria", Vakil nói thêm. “Nó có thể leo thang ở Iraq và ở Yemen hay ở vùng Vịnh. Có nhiều nơi mà bất ổn có thể lan tới và có một kịch bản rất lớn mà không ai muốn chứng kiến”.