“Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran có thể khôi phục việc làm giàu uranium 20% chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng”, Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, nói với hãng tin Alam TV vào hôm qua 5/3.
Theo JCPOA, Iran chỉ có thể làm giàu uranium tối đa 3,67% - mức không có ứng dụng trong quân sự. Nước này đã hủy gần 200kg uranium làm giàu ở mức trung bình chứa gần 20% chất làm giàu mà họ sở hữu, cùng với đó là 300kg trong số 7.154 kg uranium làm giàu ở mức độ thấp.
Tehran cũng đưa 2/3 số lò tâm khí ga và toàn bộ lò ly tâm Zippe vào kho theo thỏa thuận JCPOA nói trên. Đổi lại, Iran sẽ không phải chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế đang khiến nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này gặp nhiều trở ngại.
Theo người phát ngôn Kamalvandi, thỏa thuận trên không phải đàm phán lại như yêu cầu từ phía Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng JCPOA là “thỏa thuận nghiêng về một phía tồi tệ nhất mà Washington từng tham gia”.
Cứ mỗi 90 ngày, Tổng thống Mỹ phải xác nhận rằng Iran có tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hay không. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đơn vị của Liên Hợp Quốc làm trung gian thỏa thuận, đã liên tục kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Iran và tuyên bố rằng chúng đang hoạt động theo đúng quy định.
“Nếu JCPOA thất bại, nó sẽ là sự mất mát lớn đối với chủ nghĩa đa phương và quá trình kiểm soát hạt nhân. IAEA có cơ quan kiểm tra hạt nhân lớn nhất đặt tại Iran. Chúng tôi có quyền tiếp cận đối với tất cả các địa điểm mà chúng tôi cần tới”, Yukiya Amano, người đứng đầu IAEA cho biết trong một bài phát biểu hôm qua.
Vào tháng Mười năm ngoái, ông Trump tuyên bố thỏa thuận trên không bao gồm tên lửa đạn đạo của Iran, loại vũ khí có thể được tận dụng như một hệ thống vận chuyển cho các vụ tấn công hạt nhân. Ông cũng cho rằng Iran không cho phép IAEA tới các địa điểm quân sự của Iran và thỏa thuận trên chỉ kéo dài trong 10 năm.
Tổng thống Mỹ kêu gọi thỏa thuận trên phải đàm phán lại, nhưng các bên tham gia ký kết như Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và tất nhiên cả Iran đều đã hài lòng với JCPOA và không có ý định rút lui hoặc đàm phán lại thỏa thuận.
Uranium được làm giàu dưới 20% trên thực tế chưa được sử dụng cho bất kỳ loại vũ khí nào từng được biết đến, nhưng nó có thể sử dụng cho năng lượng hạt nhân, ví dụ như các lò phản ứng nước nhẹ.