Ngày 23/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết, tất cả các bên tham gia đàm phán đã gần đạt được sự nhất trí để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với tên gọi đầy đủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
"Chúng tôi gần đạt được thỏa thuận tại các cuộc đàm phán ở Vienna về chương trình hạt nhân", Ngoại trưởng Amir-Adollahian nêu rõ trong một cuộc họp báo.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, cuộc đàm phán giữa nước này cùng các đồng minh với Iran về thỏa thuận hạt nhân đã đạt được tiến triển nhưng một số vấn đề vẫn còn tồn đọng và hiện chưa rõ phương án giải quyết.
Bản thân ông Sullivan cũng không rõ "liệu điều này có phải là kết thúc đàm phán hay không", nhưng các đồng minh của Mỹ đang nỗ lực sử dụng biện pháp ngoại giao để đưa chương trình hạt nhân của Iran trở lại cam kết.
Trước đó, ngày 21/3, người phát ngôn Nhà Trắng Ned Price cho biết, Washington sẵn sàng đưa ra "các quyết định khó khăn" để đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA. Đối với Mỹ, các vấn đề chính vẫn là Iran cam kết tuân thủ một cách có thể kiểm chứng các hạn chế đối với hoạt động hạt nhân của mình để đổi lại việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ của Nga cho thị trường toàn cầu bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, giới quan sát nhận định, Mỹ có thể sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ để sớm cứu vãn JCPOA, từ đó dỡ bỏ bớt cấm vận với Iran và cho phép Tehran tiếp cận trở lại thị trường dầu mỏ. Trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran từng xuất khẩu đến 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 1/4 nguồn cung thông thường của Nga, theo Reuters.
Ngày 11/3 vừa qua, các nhà đàm phán châu Âu, Iran và Mỹ đã tạm dừng vòng đàm phán mới nhất và trở về nước để tham vấn. Từ tháng 4/2021, các bên đã tổ chức 8 vòng đàm phán để khôi phục JCPOA. Các cuộc đàm phán được đánh giá đang đi đến giai đoạn cuối nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Công an Nhân Dân, Thế giới và Việt Nam)