Trước tin tức gần đây trên báo chí Đức cho rằng về việc Nga đặt gần chục tổ hợp tên lửa "Iskander-M" tại Kaliningrad, cũng như dọc theo biên giới với các nước Baltic, ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, tổ hợp tên lửa Iskander có thể được đặt ở bất kì vị trí nào, trên lãnh thổ của Nga.
"Gần đây dư luận xôn xao rằng chúng tôi đã đặt Iskander ở một nơi mà đáng ra không nên đặt. Trên lãnh thổ của Liên bang Nga, nơi nào chúng tôi muốn, thì chúng tôi sẽ đặt ở đó" - Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói một cách cương quyết.
'Đặt hệ thống tên lửa Iskander ở đâu là quyền của Nga'.
Khi nói đến “dư luận xôn xao", ông Shoigu muốn ám chỉ đến phản ứng của Litva, Ba Lan, NATO và Mỹ về việc Nga triển khai các tổ hợp tên lửa Iskander. Tuy nhiên Thủ tướng Litva đảm bảo với người dân của mình rằng Iskander được Nga đặt ở biên giới với Liên minh châu Âu sẽ không đem lại bất kì mối đe dọa nào đến an ninh nước này.
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc triển khai hệ thống tên lửa Iskander tại tỉnh Kaliningrad là biện pháp đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Tại cuộc họp báo ở Matxcơva hôm 19/12, ông Putin thừa nhận rằng đây không phải là cách đáp trả hiệu quả nhất đối với hệ thống mà Mỹ đang tạo dựng, nhưng cũng không phải là cách duy nhất.
Nhà lãnh đạo Nga nói: "Chúng tôi đã nhiều lần cho rằng lá chắn tên lửa (của Mỹ tại châu Âu) luôn đe dọa tiềm năng hạt nhân của Nga và vì vậy chúng tôi sẽ có phản ứng. Và một trong những hành động phản ứng đó sẽ là việc đặt Iskander tại Kaliningrad".
“Iskander chỉ là một trong các thành tố của biện pháp đáp trả khả thi, dù chưa phải là hiệu quả nhất, nhưng đây là loại vũ khí hiệu quả nhất trên thế giới" - ông Putin phát biểu tại buổi họp báo thường niên ở Matxcơva với sự tham gia của 1.600 nhà báo đến từ khắp trên thế giới.
Iskander là tên lửa tiên tiến của Nga hiện nay.
Các chuyên gia quân sự phương Tây lo ngại rằng, các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến nhất Iskander-M của Nga khi được triển khai ở giáp biên giới NATO sẽ đe dọa trực tiếp kế hoạch triển khai các thành phần của hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa (AMD) của Mỹ ở Đông Âu, giáp với lãnh thổ Nga. “Chúng tôi kêu gọi Nga không nên có những động thái làm bất ổn khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói trong một cuộc họp báo ngày 17/12 tại Washington.
Tên lửa Iskander hiện đang là một trong những mặt hàng vũ khí xuất khẩu hàng đầu của Nga. Được trang bị cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 500km, tức là bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ba Lan và có thể vươn tới Berlin (Đức) ở tầm xa hơn 500km.
Tên lửa Iskander-M có khả năng tự hành tàng hình, được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Iskander-M có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander-M của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Với những công nghệ này, Iskander có thể tiêu diệt các trạm radar mặt đất và các tổ hợp tên lửa đánh chặn trong hệ thống lá chắn mới của NATO.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander-M cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
Theo AFP, AP