Với quy mô nhỏ bé của mình, Israel không thể chịu đựng được một cuộc tấn công hạt nhân, chuyên gia Lawrence Solomon - cựu Cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống Jimmy Carter đặt ra tình huống.
Lời hùng biện hồi đầu năm nay về quyết tâm trả đũa “tàn bạo và mang tới sự trừng phạt gấp ngàn lần” đối với kẻ thù đã trở thành mối quan ngại.
Mục tiêu công kích trong tuyên bố của Bình Nhưỡng là Mỹ, nhưng hệ lụy của nó có thể kéo theo hậu quả mà quốc gia khác cũng phải gánh chịu.
Theo Solomon, Israel có lý do cần phải lo ngại trước chương trình vũ khí gây nguy hiểm của Bình Nhưỡng
Theo đó, trong các báo cáo gần đây, “kẻ thù không đội trời chung” của Israel là Iran được cho là có quan hệ rất thân thiết với Triều Tiên. Đặc biệt khi cả hai được cho là có các hợp tác, trao đổi về phát triển vũ khí hạt nhân ở sau hậu trường.
Triều Tiên và Iran là hai quốc gia có quan hệ bạn hàng gần gũi. Iran có công nghệ tên lửa và chỉ thiếu duy nhất đầu đạn hạt nhân. Theo giới chuyên gia, Triều Tiên sẵn sàng bán lại với giá cao như một giải pháp tăng cường nguồn lực chống đỡ trước lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt bởi Liên Hợp Quốc.
Theo các chuyên gia, một khi chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên đạt tới công nghệ thu nhỏ đầu đạn, Iran có thể sẽ là nước được hưởng lợi. Từ những điều này, Israel hiểu rằng, bản thân họ đang trở thành một nạn nhân gián tiếp khi Triều Tiên ngày càng lớn mạnh.
Dù là đồng minh thân thiết của Jerusalem, Washington hiện chưa có giải pháp ứng phó gì trước hai mối đe dọa hạt nhân đến từ Tehran và Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đặt ra một mối đe dọa lớn đối với Mỹ, nhưng không phải là một mối đe dọa hiện hữu. Tuy nhiên, nếu nằm trong liên minh với Iran, Bình Nhưỡng sẽ là mảnh ghép hoàn hảo nhất đối với kẻ thù của Israel.
Hành động thầm lặng
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là không có đủ phương án hiệu quả để ứng phó trước Triều Tiên ở thời điểm này, nhưng theo chuyên gia Solomon, Israel đang có những hành động từ xa bí mật để ngăn chặn kế hoạch phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng đạt nhiều thành công hơn cả các quốc gia nói trên.
Không giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, người liên tục đưa ra các bình luận cứng rắn, nhưng bị hạn chế trong hành động, Israel ngược lại, hoạt động nhiều nhưng lại tuyệt đối im lặng.
Cách đây 10 năm chiến đấu cơ của Israel phá hủy một lò phản ứng hạt nhân bí mật được cho là hợp tác giữa Syria và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng luôn phủ nhận mọi hoạt động tại Syria.
Không chỉ có vậy, Israel rất tích cực hợp tác với Mỹ trong việc chặn các chuyến tàu từ Triều Tiên sang các nước Trung Đông mang theo các mặt hàng liên quan đến công nghệ, quân sự v.v...
Cũng trong năm 2017, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc bị rò rỉ vào tháng trước, hai chuyến tàu vận chuyển vũ khí của Triều Tiên đã bị chặn lại bởi hai quốc gia giấu tên mà theo một số nguồn tin tiết lộ Israel chính là một trong số đó.
Trong quá khứ, Israel từng có tiền lệ hành động chống lại các mối đe dọa gây nguy hại ngay cả khi Mỹ và dư luận thế giới phản đối. Theo cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống Jimmy Carter, quốc gia này có thể sẽ một lần nữa làm như vậy khi tình hình trở nên đáng báo động.
Solomon cũng tin rằng, nếu Israel đơn phương phá hủy chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên, quốc gia Đông Bắc Á sẽ không thể quay ra trả đũa Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Do đó, kịch bản đau thương khi có hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra.