Hồ sơ dài sáu trang này đã đưa ra cáo buộc về việc khoảng 190 nhân viên của UNRWA, bao gồm nhiều giáo viên, là thành viên của tổ chức Hamas hoặc Thánh chiến Hồi giáo. Bộ hồ sơ này cung cấp ảnh và tên của 11 người trong số đó.
Trong ngày thứ Hai, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) ông Stephane Dujarric cho biết, LHQ chưa nhận được bản sao chính thức bộ hồ sơ này.
Chính quyền Palestine cáo buộc Israel đã giả mạo thông tin nhằm bôi nhọ UNRWA, sau khi cho biết đã sa thải một số nhân viên và đang điều tra các cáo buộc này.
Hồ sơ cho biết một trong 11 người được nêu tên là cố vấn tại một trường học, đã giúp con trai mình bắt cóc một người phụ nữ trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Một nhân viên xã hội khác của UNRWA bị cáo buộc đã dính líu tới vụ vận chuyển một thi thể binh lính Israel tới Gaza và đã điều phối các xe bán tải được sử dụng trong các hoạt động của các nhóm đột kích và buôn lậu vũ khí.
Một người khác trong hồ sơ này bị cáo buộc đã tham gia vụ càn quét làng Beeri ven biên giới phía Israel, một ngôi làng trong đó một phần mười dân số đã bị sát hại. Một người thứ tư cũng đã bị cáo buộc đã tham gia tấn công Reim, nơi một căn cứ quân sự đã bị áp đảo và một sự kiện âm nhạc nơi có 360 người tham gia bị thiệt mạng.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel ông Israel Katz khẳng định, lãnh đạo UNRWA ông Philippe Lazzarini cần phải từ chức. “Các nhân viên của UNRWA đã tham gia vụ thảm sát ngày 7 tháng 10. Ông Lazzarini cần kết luận và từ chức”.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã cáo buộc Israel đã “âm mưu tấn công chính trị” nhằm vào cơ quan này, một cơ quan mà từ lâu Israel đã thường xuyên chỉ trích và kêu gọi các nước khôi phục nguồn hỗ trợ tài chính cho cơ quan.
Hồ sơ này đã được một nguồn tin giấu tên và quốc tịch cung cấp cho Reuters. Nguồn tin này cho biết, hồ sơ này được soạn thảo bởi cơ quan tình báo Israel và được chia sẻ tới Mỹ, một quốc gia trong ngày thứ Sáu vừa rồi đã cắt nguồn hỗ trợ tài chính cho UNRWA.
Một quan chức Israel cho biết, 190 người được nêu tên trong hồ sơ này là “những chiến binh cứng cỏi, và những tên giết người” và khoảng 10% tổng số nhân viên của UNRWA được cho là có liên quan chung tới Hamas và Thánh chiến Hồi Giáo.
Cơ quan này gồm 13.000 nhân viên tại Gaza. Hơn 10 quốc gia trong đó có Mỹ và Đức đã cắt đứt nguồn hỗ trợ tài chính cho cơ quan này.
Hoạt động cứu trợ bị đe dọa
Đây là một vấn đề vô cùng lớn cho cơ quan hỗ trợ cho hơn một nửa trong dân số 2,3 triệu người tại Gaza trong các hoạt động thường nhật, một cơ quan vốn đã gặp phải nhiều áp lực do cuộc chiến của Israel nhằm vào Hamas tại Gaza.
Trong ngày thứ Hai, UNRWA cho biết sẽ không thể tiếp tục hoạt động tại Gaza và trên toàn khu vực qua tháng 2 nếu như các nguồn hỗ trợ tài chính không được khôi phục.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres dự kiến sẽ gặp đại diện các nước tài trợ cho UNRWA tại New York vào ngày thứ Ba.
Trong ngày thứ Hai, ông Guterres đã thảo luận với lãnh đạo Jordan và Ai Cập, và gặp mặt với lãnh đạo ủy ban điều tra nội bộ của LHQ để đảm bảo cuộc điều tra về các cáo buộc của Israel “được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng nhất có thể”.
Washington cũng sẽ cân nhắc các bước mà UNRWA thực hiện nhằm phản hồi trước các cáo buộc này, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một cuộc họp báo đã phát biểu cho biết các cáo buộc này “rất đáng tin cậy”, “vô cùng đáng lo ngại”.
Khi được hỏi về điều kiện và khung thời gian để Mỹ khôi phục hỗ trợ cho UNRWA, ông Blinken cho biết, “điều quan trọng là UNRWA cần phải ngay lập tức thực hiện như khẳng định của mình, tổ chức điều tra và đảm bảo các cá nhân chịu trách nhiệm và cân nhắc lại các quy trình hoạt động của mình”.
UNRWA là một cơ quan được thành lập cho người tị nạn trong cuộc chiến năm 1948 khi nhà nước Israel thành lập tại lãnh thổ từng là Palestine dưới quyền trị vì của Anh. Cơ quan này cũng đã hỗ trợ cho hàng triệu người là con cháu của những người tị nạn đầu tiên trên lãnh thổ Palestine cũng như tại các quốc gia khác.
Israel từ lâu đã chỉ trích UNRWA cáo buộc cơ quan này đã cố tình duy trì xung đột khi phản đối cho người tị nạn tái định cư và đã nhiều lần khẳng định nhân viên cơ quan này đã tham gia các cuộc tấn công vũ trang.
UNRWA đã bác bỏ các cáo buộc, khẳng định chỉ giữ vai trò là cơ quan cứu trợ.
Hồ sơ tiếng Do Thái viết: “Từ các thông tin tình báo, hồ sơ và thẻ định danh được thu thập trong quá trình chiến đấu, chúng tôi đã có thể xác định khoảng 190 thành viên khủng bố Hamas hoặc PIJ (tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine) là nhân viên của UNRWA”.
Hồ sơ này cáo buộc Hamas đã “xây dựng cơ sở hạ tầng khủng bố trong các cơ sở và khu vực của LHQ một cách bài bản và có chủ đích”. Hamas bác bỏ cáo buộc này.
Hai trong số các cá nhân bị cáo buộc là thành viên của Hamas được nêu tên trong hồ sơ đã được mô tả là “đã bị tiêu diệt” bởi lực lượng Israel. Một người Palestine trong số 12 người được nêu tên và kèm ảnh được cho là đã không tham gia tổ chức nào và có tham gia vụ tấn công ngày 7 tháng 10 tại Israel.
Cũng trong danh sách 12 người này là một giáo viên của UNRWA bị cáo buộc đã trang bị tên lửa chống xe tăng, một giáo viên khác bị cáo buộc đã quay video các con tin, và một quản lý cửa hàng tại một trường học của UNRWA bị cáo buộc đã tổ chức phòng họp cho tổ chức Thánh chiến Hồi giáo.
Cơ quan y tế tại Gaza cho biết hơn 26.000 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel nhằm tiêu diệt Hamas tại Gaza. Với nguồn hàng cứu trợ như lương thực và thuốc men chỉ đạt phần nhỏ so với mức trước chiến tranh, nhiều nhân viên cứu trợ cho biết con số ca tử vong từ các bệnh có thể phòng ngừa cũng như rủi ro xảy ra nạn đói đang tăng cao.
Phần lớn người dân tại Gaza phụ thuộc vào nguồn hàng cứu trợ của UNRWA, bao gồm một triệu người đã bỏ chạy khỏi các cuộc đánh bom của Israel và đang trú ẩn tại các cơ sở của cơ quan này.
Hồ sơ viết: “Các tổ chức khủng bố đang lợi dụng người dân Dải Gaza và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ cung cấp hàng hóa cứu trợ… và thông qua đó đã gián tiếp gây hại cho người dân tại Dải Gaza”.
Trong cuối tuần vừa rồi, ông Guterres đã cam kết sẽ yêu cầu mọi nhân viên có liên quan tới những vụ việc “đáng lên án” phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng đã hối thúc các quốc gia tiếp tục hỗ trợ UNRWA vì lý do nhân đạo.
“Hàng chục ngàn người đang làm việc cho UNRWA, nhiều người trong đó đang đối mặt với tình trạng hiểm nghèo nhất cho những nhân viên nhân đạo, không nên bị trừng phạt. Nhu cầu khẩn cấp của những người đang chìm vào tuyệt vọng mà họ phục vụ cần phải được thỏa mãn”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)