Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Dự thảo này vừa được bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo đưa ra mục tiêu chung tăng cường thể chế hóa chính sách của Đảng, xác lập định hướng khung chính sách pháp luật làm nền tảng cho việc ban hành các văn bản về nhận diện nhân tài, cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. Cũng như việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định về công tác cán bộ.
Chiến lược cũng nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Chiến lược đề ra mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025: 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn. Chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành Nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao…
Từ 2026 -2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2- 5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Dự thảo chiến lược cũng nêu rõ quan điểm thu hút, trọng dụng nhân tài. Trong đó xác định, đây là chiến lược cán bộ của Đảng, phải tuân thủ đường lối, chính sách cán bộ của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ.
Nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước hùng cường; là tiềm lực và sức mạnh của quốc gia; là hạt nhân của nền kinh tế trí thức; là yếu tố then chốt của sự phát triển. Đội ngũ nhân tài phải tiêu biểu cho nền văn hóa và trí tuệ Việt Nam vừa có tài, vừa có đức, năng lực sáng tạo và khát khao cống hiến vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Việc thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài. Việc phát hiện, tiến cử nhân tài là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi cơ quan, tổ chức.
Xây dựng chính sách nhân tài đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt; có chính sách khen thưởng và xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài…
Việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Ưu tiên thực hiện với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc; với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, tập trung vào đối tượng cán bộ nguồn cấp chiến lược; chuyên gia, nhà quản lý giỏi; nhà khoa học đầu ngành, ưu tú, tiêu biểu; nhà khoa học trẻ tài năng, tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, thanh niên và một số cá nhân có thành tích tiêu biểu, vượt trội.
Liên quan đến dự thảo trên, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng: Đảng ta luôn xác định, công tác cán bộ là then chốt. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, muốn tạo nên một tập thể vững mạnh phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước; Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.
"Học vấn phải trở thành văn hóa, thành nguồn nhân lực và trong nguồn nhân lực đó có đội ngũ người tài làm đầu tàu. Dự theo đưa ra mục tiêu từ 2026 -2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2- 5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý dựa trên cơ sở nào và cần có tiêu chí cụ thể. Nhân tài trong từng lĩnh việc khác nhau và phải được đánh giá trong quá trình thực tiễn. Điều quan trọng, ai là người đánh giá nhân tài và người đánh giá phải có tài thực sự", bà An nói.
Theo bà An, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, phải coi trọng giáo dục, chấn chỉnh việc giáo dục - đào tạo làm sao phải “thực học để có thực lực”, phải coi trọng cả giáo dục khoa học lẫn đạo đức. Thực hiện tốt chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
N.Giang