Một quan chức của Hội đồng Bảo an Quốc gia Mỹ đã cảnh báo Italia không nên tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc - dự án nhằm mục đích hợp nhất thị trường châu Âu và châu Á - với lý lẽ cho rằng điều này sẽ mang lại "tính hợp pháp" cho dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh.
"Italia là một nền kinh tế toàn cầu lớn và là điểm đến đầu tư tuyệt vời, nhưng Italia không cần mang đến tính hợp pháp cho dự án của Trung Quốc", ông Jac Garrett Marquis, người phát ngôn của nhóm an ninh quốc gia Nhà Trắng, tuyên bố trên Twitter, sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte nói ông sẽ hoan nghênh đất nước mình tham gia BRI.
"Với tất cả các biện pháp đề phòng cần thiết, việc Italia gia nhập một tuyến đường tơ lụa mới thể hiện cơ hội cho đất nước chúng ta", Thủ tướng Conte nói hôm 8/3, lưu ý rằng việc tham gia vào kế hoạch tổng thể thương mại của Trung Quốc sẽ được thảo luận khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Italia vào ngày 22/3. Ông Conte cũng đã công bố kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh BRI tại Trung Quốc vào tháng Tư.
Trong khi Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về các cuộc thảo luận BRI, bộ Ngoại giao nước này lưu ý rằng Italia coi sáng kiến này là một nền tảng tốt cho sự hợp tác cùng có lợi hai bên, theo RT.
Mỹ hiện đang tranh chấp thương mại lớn với Trung Quốc, coi nước này là mối đe dọa trực tiếp đối với sự thống trị kinh tế của mình và vẫn "hoài nghi" về sáng kiến của Bắc Kinh, nhằm mục đích liên kết Trung Quốc bằng đường biển và đất liền với Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi, thông qua một mạng lưới cơ sở hạ tầng giống như con đường tơ lụa cổ đại.
Trong diễn biến mới về những gì Bắc Kinh tuyên bố là một ví dụ khác về cạnh tranh không lành mạnh, Mỹ đã cáo buộc các công ty viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, Huawei Technologies và ZTE Corp, đứng đằng sau ủng hộ Chính phủ Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các đồng minh của mình tìm kiếm các giải pháp thay thế .
Tuy nhiên, Thủ tướng Conte đã gạt đi những lo ngại của Mỹ về các mối đe dọa an ninh của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng ông không có kế hoạch phân biệt đối xử với gã khổng lồ công nghệ châu Á, những công ty có chuyên môn trong việc phát triển mạng di động 5G thế hệ tiếp theo.