Ngày 16/11, Quốc hội Italy đã thông qua lệnh cấm sản xuất và kinh doanh thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Lý do được đưa ra là, việc sản xuất và kinh doanh loại thịt này sẽ làm tổn hại tới ngành chăn nuôi trong nước.
Italy đã trở thành quốc gia EU đầu tiên đưa ra lệnh cấm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, dù sản phẩm này chưa được cấp phép lưu hành tại EU. Các công ty vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 150.000 Euro. Ngoài thịt phòng thí nghiệm, luật cũng cấm việc mô tả protein có nguồn gốc thực vật là thịt trên nhãn mác sản phẩm, với mức phạt từ 10.000 đến 60.000 euro cho mỗi lần vi phạm.
Theo luật mới được thông qua, Italy muốn "bảo vệ di sản chăn nuôi quốc gia", công nhận giá trị văn hóa, kinh tế xã hội và môi trường của ngành này, cũng như "đảm bảo việc bảo vệ sức khỏe con người ở mức độ cao". Ngoài ra, luật cũng hướng đến việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và quyền được biết thông tin về những gì họ ăn.
Tuy nhiên những người phản đối thì lại đang cảnh báo Chính phủ có nguy cơ vi phạm các quy tắc thị trường chung của EU, khi đơn phương cấm thực phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong trường hợp EU quyết định cho phép phổ biến loại thực phẩm này.
Các công ty trên toàn thế giới đang cố gắng thương mại hóa các sản phẩm thay thế thịt do vấn đề đạo đức xoay quanh chăn nuôi công nghiệp cũng như vấn đề về môi trường. Chăn nuôi là một trong những ngành góp phần tạo ra khí nhà kính trên toàn cầu.
Thịt phòng thí nghiệm hiện được phép bán ở Singapore và Mỹ, nhưng ở EU vẫn chưa cho phép, mặc dù các công ty EU đã và đang quyên tiền để nghiên cứu lĩnh vực khoa học mới mẻ này.
Theo Viện Thực phẩm Tốt, 159 công ty thịt phòng thí nghiệm hiện đang hoạt động tại 32 quốc gia. Đầu tư vào lĩnh vực này đã đạt 2,8 tỉ USD trên toàn thế giới, với 120 triệu euro được huy động ở châu Âu vào năm ngoái.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Thanh Niên)