Theo hãng tin AP, sau khi tới Bắc Kinh vào buổi trưa, ông Biden đã tới thăm đại sứ quán Mỹ. Tại đây, ông đã khiến những công dân Trung Quốc đang chờ để xin thị thực vào Mỹ bị bất ngờ.
Sau khi cảm ơn một nhóm gồm hầu hết là người trẻ tuổi Trung Quốc vì muốn tới thăm Mỹ, ông Biden khẳng định mình hy vọng những người này sẽ học được trong chuyến đi tới Mỹ rằng “sự đổi mới chỉ có thể xảy ra ở nơi các bạn được hít thở tự do”.
“Trẻ em tại Mỹ được thưởng chứ không bị phạt vì dám thách thức những trật tự hiện có”, Biden nói. “Cách duy nhất bạn làm điều gì đó hoàn toàn mới đó là phá vỡ những khuôn khổ của những gì cũ kỹ”.
Vị Phó tổng thống dường như bóng gió ám chỉ sự quản lý quyết liệt của chính phủ Trung Quốc trong lúc miêu tả về một văn hóa trí tuệ tự do và không ép buộc tại Mỹ.
“Tôi hy vọng rằng các bạn có thể quan sát thấy nó khi các bạn ở Mỹ”, ông Biden nói trong khi đại sứ Mỹ Gary Locke đứng kế bên. “Ngay từ ngày đầu của đất nước tôi, đó đã là một dòng chảy liên tục của những người nhập cư mới, văn hóa mới, ý tưởng mới, tín ngưỡng mới, những con người hoàn toàn mới tiếp tục tăng cường sinh lực cho tinh thần Mỹ”.
Vị phó tổng thống cũng bày tỏ một lời ngợi khen chừng mực đối với hệ thống giáo dục của Trung Quốc, một ngày sau khi kết quả của một khảo sát toàn cầu cho thấy, các học sinh Mỹ một lần nữa đứng sau nhiều bạn bè châu Á và châu Âu. Học sinh tại Thượng Hải, Trung Quốc là những người có điểm số cao nhất ở tất cả các môn.
“Mặc dù hệ thống giáo dục ở một số nước tốt hơn của Mỹ - nhất là ở bậc phổ thông – có một điều đã in sâu vào ADN của từng người Mỹ, cho dù họ là dân nhập tịch hay được sinh ra tại Mỹ, đó là một sự chối bỏ rõ ràng sự chính thống”, Biden tuyên bố.
Những bình luận tương tự của ông Biden trước đây cũng từng gây sóng gió. Hồi tháng 5 vừa qua, ông từng phát biểu trước các sinh viên đại học Pennsylvania rằng ông không thể nghĩ khác đi về một quốc gia nơi mà mọi người không được hít thở tự do. Các sinh viên Trung Quốc khi đó cho biết họ cảm thấy bị xúc phạm và đòi vị Phó tổng thống xin lỗi.
Ông Biden đã có cuộc họp kín với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hội đàm kín với Chủ tịch Trung Quốc
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Biden diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, khi Washinton phản đối vùng nhận dạng phòng không mới mà Bắc Kinh vừa thành lập. Trước đó, phát biểu khi dừng chân tại Tokyo hôm thứ Ba, ông Biden khẳng định Mỹ “lo ngại sâu sắc” bởi hành động trên, và cho rằng nó chỉ làm tăng khả năng xảy ra tai nạn. Ông cam kết sẽ nêu vấn đề này trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sau lễ đón chính thức tại Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa, ông Biden đã có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình.
Theo Tân Hoa Xã, trong phần đầu cuộc họp, ông Tập đã bày tỏ hy vọng chuyến thăm của ông Biden sẽ giúp củng cố hơn nữa lòng tin, trao đổi và hợp tác giữa hai nước. Và rằng ông và Tổng thống Mỹ Obama đã thống nhất trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga và cuộc gặp thượng đỉnh tại California rằng hai nước cần xây dựng một mô hình mới về mối quan hệ giữa nước lớn.
“Thúc đẩy đối thoại và hợp tác là lựa chọn chính xác duy nhất cho chúng ta”, website tiếng Anh của Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói, nhưng không hề đề cập tới phát biểu của ông Biden, dù chỉ một từ.
Trong khi đó, theo quan sát của hãng tin AP, sau cuộc họp kín với Chủ tịch nước chủ nhà, ông Biden rời phòng họp trong dáng vẻ u ám và thiếu nhiệt huyết. Ông không trả lời một câu hỏi nào của báo giới và cũng không bình luận bất kỳ lời nào về mối quan ngại của Washington đối với vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh. Thay vào đó, ông chỉ nói về một “mô hình hợp tác mới của nước lớn”, và khẳng định mối quan hệ Mỹ - Trung phải dựa trên lòng tin và một ý niệm tích cực về động cơ của nhau.
Thanh Tùng (Dân trí)