Jollibee báo lãi
Jollibee hôm 12/5 cho biết, tập đoàn đã ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý đầu tiên của năm 2021 sau một năm thua lỗ sâu. Lợi nhuận được thúc đẩy từ doanh số bán hàng quốc tế bắt đầu phục hồi như mức trước khi dịch bệnh xảy ra.
Gã khổng lồ thức ăn nhanh của Philippines đã tận dụng vị thế dẫn đầu trong thị trường quê nhà để theo đuổi mục tiêu mở rộng ra nước ngoài trong những năm gần đây, tạo dấu ấn ở Trung Quốc và mua lại các thương hiệu ở Mỹ.
Trong báo cáo mới đây, Jollibee tuyên bố mức lợi nhuận 153 triệu peso (3,2 triệu USD) trong quý đầu tiên năm 2021, đối lập với khoản lỗ ròng 1,7 tỷ peso trong cùng kỳ năm ngoái.
“Hầu hết các doanh nghiệp của chúng tôi ở nước ngoài đều đạt doanh số bán hàng ở mức trước dịch bệnh”, CAN dẫn lời giám đốc điều hành Jollibee Ernesto Tanmantiong.
So với quý đầu tiên của năm 2019, doanh số bán hàng của Jollibee tại Philippines giảm 28,5%, nhưng tổng thể đã tăng 1/3 sau khi công ty mua lại thương hiệu Coffee Bean and Tea Leaf có trụ sở tại Mỹ. Hoạt động kinh doanh quốc tế đóng góp 41% vào doanh thu toàn hệ thống.
“Chúng tôi mong đợi sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh tại Philippines trong những tháng tới, cũng như tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn của các doanh nghiệp ở nước ngoài”, ông Tanmantiong nói thêm.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 3, giám đốc điều hành Tanmantiong cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng thị trường toàn cầu. Jollibee có kế hoạch mở 450 cửa hàng ở nước ngoài trong năm nay đồng thời tìm kiếm các thương vụ mua lại tiềm năng.
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của tỷ phú Tony Tan Caktiong có kế hoạch phát hành khoảng 12 tỷ peso cổ phiếu ưu đãi và mua lại khoảng 250 triệu USD trái phiếu trong năm nay để củng cố bảng cân đối kế toán và cân đối thời gian đáo hạn các khoản nợ.
Được thành lập bởi Tan Caktiong hơn 40 năm trước, Jollibee hiện điều hành hơn 3.200 cửa hàng tại Philippines và hơn 2.500 cửa hàng ở nước ngoài - bao gồm các chuỗi Smashburger và Coffee Bean có trụ sở tại Mỹ.
Công ty đã phải đóng cửa khoảng 70 cửa hàng ở nước ngoài do tình trạng phong tỏa Covid-19 trên khắp thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán hàng.
Tan Caktiong, 68 tuổi, được Forbes xếp hạng thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất Philippines vào tháng 9/2020, với giá trị tài sản 1,9 tỷ USD.
Chuỗi Jollibee Việt Nam vẫn lỗ, ưu tiên cho Highlands Coffee
Tại Việt Nam, chuỗi thức ăn nhanh Jollibee phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn khác như KFC và Lotteria. Sau 16 năm tiến vào thị trường Việt Nam, công ty Philippines vẫn còn lỗ lũy kế 63 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ 409 tỷ. Năm 2019, công ty cũng báo lỗ 10 tỷ đồng.
Năm 2017, Jollibee từng có có kế hoạch mở rộng lên 300 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng ba năm, theo Inside Retail Asia.
Ông Tan Caktiong tin tưởng vào dân số lên đến 96 triệu dân và nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam. Về tầm nhìn dài hạn, ông chủ của Jollibee vẫn đang tiếp cận các thương vụ mua lại thương hiệu, “nhưng sẽ tập trung ưu tiên vào Jollibee, Highlands Coffee và Phở 24”.
Jollibee đến Việt Nam vào năm 1996, bắt đầu nhượng quyền vào cuối năm 2015. Hiện Jollibee đã có hơn 100 cửa hàng trên cả nước.
Về tham vọng với chuỗi cửa hàng café đang ăn nên làm ra Highlands Coffee, Jollibee có mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng Châu Á trải nghiệm cà phê chất lượng với giá cả phải chăng thông qua các cửa hàng và các sản phẩm đóng gói.
Đồng thời Jollibee có kế hoạch phục vụ người tiêu dùng ở châu Á và các thành phố trọng điểm trên thế giới với các món ăn Việt Nam chất lượng, tốt cho sức khỏe, giá cả phải chăng thông qua Phở 24.
Highlands Coffee có 16 cửa hàng ở Philippines, trong khi Phở 24 có 13 cửa hàng ở Indonesia, hai cửa hàng ở Campuchia, và một cửa hàng ở Australia và Hàn Quốc.
Đầu năm 2021, Jollibee cho biết sẽ mở thêm 100 cửa hàng Highlands Coffee, chủ yếu phục vụ cho thị trường Việt Nam.
Highlands Coffee là doanh nghiệp phát triển nhanh nhất trong tập đoàn Jollibee, khi số cửa hàng mới tiếp tục tăng và hiện đang có lãi. Trước dịch bệnh, các cửa hàng mới đã tạo lợi nhuận rất cao so với vốn đầu tư.
Theo giám đốc tài chính Ysmael Baysa, công ty cũng có ý định niêm yết Highlands Coffee tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Được thành lập tại Việt Nam vào năm 1999, Highlands Coffee là chuỗi cà phê lớn thứ ba của Việt Nam, với hơn 341 cửa hàng.
Dữ liệu của Cổng thông tin cà phê thế giới cho thấy, Việt Nam là thị cà phê thương hiệu lớn thứ 5 ở Đông Á, vượt 3.839 cửa hàng vào năm 2020. Bất chấp áp lực từ dịch bệnh, thị trường cà phê thương hiệu của Việt Nam đã bổ sung thêm 201 cửa hàng mới trong 12 tháng qua, đạt tăng trưởng 5,5% vào năm 2020.