Năm 1997, khi đó Apple đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Những lãnh đạo cấp cao nhất của công ty chỉ còn biết tập trung vào lợi nhuận của công ty mà không hề quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới nữa. Quả thực khi đứng trên bờ vực của sự phá sản, nước cờ này cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng hy vọng đã nhen nhóm trở lại khi ban lãnh đạo Apple quyết định bỏ ra 400 triệu USD để mua lại NeXT và mang người sáng lập Apple, Steve Jobs, trở lại với công ty. Khi đó, Steve đã thay đổi toàn bộ văn hóa của công ty bằng việc tuyên bố trước toàn thể nhân viên rằng: Apple chỉ tập trung vào chế tạo những sản phẩm tuyệt vời nhất, không vì mục tiêu kiếm lợi nhuận. Kể từ giây phút đó, chàng kỹ sư trẻ tuổi kia đã quyết định tiếp tục ở lại gắn bó với công ty. Và người đó chính làJonathan Ive, thường được biết tới với cái tên Jony Ive.
Quyết định ở lại của Jony Ive đã góp phần thay đổi hoàn toàn lịch sử của Apple, đưa một công ty từ bờ vực của phá sản trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay. Trải qua suốt 15 năm gắn bó, Ive đã trở thành một trong những kỹ sư thiết kế phần cứng hàng đầu của Apple.
Và chỉ mới cách đây ít ngày, CEO Tim Cook đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo: đưa Ive trở thành người điều hành chính của công ty trong khâu thiết kế, mà theo cách các nhân viên Apple thường gọi đó là Tương tác con người (Human Interface). Ive giờ đây đã trở thành lãnh đạo về phát triển cả 2 mảng phần cứng và phần mềm của một trong những công ty công nghệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trong khi Cook là nhân vật quyền lực nhất thì Ive lại là người đóng vài trò quan trọng nhất của Apple, có toàn quyền quyết định đối với mỗi sản phẩm mới.
Khi Steve Jobs qua đời, tất cả mọi người đều muốn biết ai sẽ là người lấp lại khoảng trống mà Steve bỏ lại. Trong suốt 12 tháng qua, Apple vẫn đang tìm kiếm điều đó nhưng cho tới lúc này, câu trả lời chắc chắn sẽ là “Jony Ive”.
Ngay cả lúc còn đương nhiệm, Jobs đã từng nói với người viết tiểu sử của mình, Walter Isaacson, rằng:”Jony chính là người bạn tinh thần của Steve ở Apple”. Laurene Powell, vợ của Steve cũng nhận xét về Ive “Cậu ấy thật sự rất đặc biệt. Cả 2 gia đình chúng tôi đều rất thân thiết, Jobs hầu như có rất ít bạn bè, nhưng có lẽ Ive là một ngoại lệ.”
Mối quan hệ giữa hai người bắt đầu kể từ khi Steve trở lại Apple. Trong một lần đang dạo quanh toàn bộ phòng lab của Apple, Jobs tình cờ bắt gặp những mẫu thiết kế của Ive. Vào thời điểm đó, Jobs đang tìm kiếm một sự “trẻ hóa” cho các sản phẩm của Apple. Ngay sau giây phút đó, Steve và Jony chính thức trở nên thân thiết và cùng nhau cho ra mắt một trong những mẫu máy tính tuyệt vời nhất trong lịch sử: iMac. Ive, người từng một thời thất vọng về Apple kể lại: “Chúng tôi đã thảo luận với nhau về kiểu dáng và vật liệu của sản phẩm mới. Dường như ông ấy có chung một dòng suy nghĩ với tôi. Lúc đó tôi chợt nhận ra lý do tại sao tôi vẫn chưa muốn rời khỏi công ty này.”
Sản phẩm đầu tiên của họ là chiếc iMac “all in one”. Trong khi hầu hết mọi người lúc đó đều chỉ tập trung vào những “đường cong đầy màu sắc” trong thiết kế cho những chiếc máy tính dạng hộp nhàm chán, Ive đã thêm vào những chi tiết để tăng tính tương tác với người dùng một cách tinh tế nhất, điều này phản ánh đúng tính cách và con người của chàng kỹ sư này.
Đó là lý do tại sao iMac lại có một tay cầm ở phía bên trên thân máy. Ive đã giải thích rằng: ”Tôi luôn nghĩ có rất nhiều người cảm thấy không thoải mái với công nghệ. Nếu như bạn sợ một điều gì đó, bạn sẽ chẳng bao giờ dám chạm vào nó. Vậy thì một chiếc tay cầm giống như là một kết nối trực tiếp giữa máy móc với người dùng. Công nghệ là thứ chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận được. Và cũng vô cùng trực quan.”
Có lẽ lý do khiến cho Ive nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đưa cách tiếp cận máy tính dễ dàng hơn là vì Ive chưa bao giờ nghĩ mình là người thành thạo công nghệ. Trong một cuộc phỏng vấn, Ive đã trả lời: “Suốt thời gian ở trường đại học, tôi thực sự gặp rắc rối với máy tính. Tôi gần như luôn tin rằng mình là một kẻ kém cỏi công nghệ bởi tôi hầu như gặp khó khăn khi sử dụng máy tính cá nhân trong thiết kế.” Cho tới khi Ive nhìn thấy chiếc Mac đầu tiên trong đời vào cuối những năm trên giảng đường, mọi thứ đã thay đổi. “Tôi vẫn còn nhớ tôi đã cảm thấy kinh ngạc và phấn khích đến nhường nào khi sử dụng chiếc máy đó dễ dàng hơn bất cứ chiếc máy tính cá nhân nào tôi từng được chạm vào. Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi những thiết kế rất gần gũi cho người dùng. Tôi cảm thấy mình như có một liên kết nào đó với thiết bị kỳ diệu kia.”
Vào thời gian mà Steve vẫn còn chưa trở lại, thiết kế của Ive gần như chưa bao giờ được “ngó ngàng” tới tại Apple bởi các vị lãnh đạo ở đây tin rằng chiếc tay cầm này là vô dụng và tốn thêm chi phí cho công ty. Thế nhưng dưới thời của CEO Steve Jobs, chiếc tay cầm độc đáo này lại trở nên quan trọng vô cùng. Sau khi iMac ra mắt, mối quan hệ giữa Ive và Steve càng trở nên thân thiết hơn và vì thế mà tầm quan trọng của Ive tại Apple cũng trở nên lớn hơn.
Thậm chí, cho tới trước khi ra đi, Jobs vẫn nhận xét về Ive như là người đã tạo ra sự khác biệt lớn lao không chỉ cho Apple mà còn cho toàn thế giới này, một Ive tinh quái và hiểu rõ tôn chỉ hoạt động, các chiếc lược marketing của Apple. “Ive là người am hiểu sứ mệnh của Apple hơn bất kỳ ai khác ở đây.” – Steve Jobs. Có lẽ cũng nhìn thấy trước được điều này, Jobs đã nói:”Ở Apple, Jony Ive là người có quyền lực cao hơn bất kỳ ai ngoại trừ tôi. Chẳng ai có thể bảo anh ấy phải làm gì hay không làm gì. Đó là những gì diễn ra theo đúng ý muốn của tôi.” Điều này lý giải tại sao Ive đã là người chiến thắng trong cuộc chiến về hướng đi sắp tới của Apple với cựu lãnh đạo iOS, Scott Forstall.
"Trở nên khác biệt là điều dễ dàng nhưng để trở nên tốt hơn thì khó hơn rất nhiều lần" - Jonathan Ive, Apple Inc.
Ive là người không thể chịu đựng được những gì mà Forstall đang làm với Apple. Nói thẳng ra, dưới thời của Forstall, Apple không hề có một chút gì là sáng tạo trong thiết kế. Chỉ đơn giản là một chút thay đổi làm cho sản phẩm “bóng bẩy” hơn và “moi” được nhiều tiền từ khách hàng hơn. Những ví dụ điển hình mà chúng ta có thể thấy là iPhone 5 hay iPad 4. Nhưng giờ đây khi Ive lên thay vị trí của Forstall, có lẽ điều này sẽ không còn tồn tại. Forstall đã sai lầm khi muốn trở thành người thách thức vị trí của Tim Cook. Trong khi đó, Jony Ive hiểu rằng anh không hề muốn trở thành CEO, anh chỉ muốn là một kỹ sư thiết kế sản phẩm (product guy) như dưới thời Steve Jobs mà thôi. Công việc của anh là cho ra đời những sản phẩm có thiết kế sáng tạo và tiện dụng nhất cho người dùng.
Hiện tại, Ive đang là người chịu trách nhiệm phát triển cả 2 mảng phần cứng và phần mềm của Apple. Trước Ive, chỉ có duy nhất một người làm được điều này, đó chính là Steve Jobs. Hy vọng rằng, Ive sẽ là người mà Apple đã tìm kiếm trong suốt 1 năm qua, giúp Apple "tìm lại chính mình" như những gì mà Steve đã từng làm 10 năm trước đây.
Hằng Giang