Khi món ăn mang tên thủ tướng
Kể từ sau khi nhậm chức, nữ Thủ tướng Julia Gillard không ngừng phải đối mặt với sự theo dõi của báo giới và dư luận bởi những hành động quá đà và có phần hơi khiếm nhã của bà. Mọi điều thuộc về nữ Thủ tướng như giới tính, quần áo và đời sống riêng đều được quan sát và soi xét. Tuy nhiên, tuần vừa qua có lẽ là khoảng thời gian "bão táp" của nữ Thủ tướng Gillard khi bà liên tiếp gặp xui xẻo do chính mình gây ra.
Có lẽ, khởi điểm của các scandal ập xuống đầu nữ Thủ tướng chính là món ăn mang tên bà "Chim cút chiên Julia Gillard". Sẽ là bình thường nếu tên của món ăn không bổ sung thêm mô tả "ngực nhỏ, đùi to". Những từ ngữ ám chỉ thô thiển này lại xuất hiện trong thực đơn một buổi tiệc gây quỹ tranh cử quy tụ khoảng 20 nhân vật do ông Mal Brough, thành viên Liên đảng (LNP) và đang là ứng viên cho một ghế Quốc hội ở vùng Fisher (bang Queensland), chủ trì tại Brisbane.
Tất nhiên, tác giả của món ăn chim cút chiên này là đầu bếp Joe Richard đã bị rơi vào thế khó khăn và nữ Thủ tướng tỏ ra vô cùng tức giận. Bản thân ông Joe cũng không ngờ, trò đùa giữa ông với cậu con trai trong bếp lại biến thành một cuộc chiến chính trị về bình đẳng giới giữa các đảng phái Australia trong mùa bầu cử.
Nữ Thủ tướng Julia Gillard và bạn trai Tim Mathieson.
Trước tình hình căng thẳng do trò đùa "vô hại" gây ra, ông Joe đã xuất hiện trước báo giới và thề sống, thề chết rằng, những lời mô tả trong thực đơn chỉ là một trò đùa nho nhỏ, mới chỉ truyền mồm chứ chưa hề được đặt lên bàn cho khoảng 1.000 thực khách tham dự bữa tiệc gây quỹ.
Thế nhưng, ông Joe không biết được, một số đầu bếp láu lỉnh đã tung nó lên mạng xã hội Tweeter và với sức mạnh của mạng xã hội, tên món ăn khiếm nhã này đã lan đi với tốc độ nhanh chóng mặt. Những người từ trước đến nay vốn không ưa nữ Thủ tướng cũng vin vào tên món ăn thô lỗ này để hạ thấp uy tín của bà.
Ngay sau đó, món ăn này đã nhận được sự phản đối dữ dội từ người dân Australia và không chỉ từ thành viên Đảng Lao động do bà Julia Gillard làm thủ lĩnh mà còn từ chính các thành viên Liên Đảng. Đảng LNP còn ra tuyên bố khẳng định nội dung thực đơn tiếp khách này hoàn toàn không thể chấp nhận được và không được đặt trên bàn ăn trong bất cứ sự kiện nào của đảng này.
Ngay cả lãnh đạo LNP Tony Abbott cũng chỉ trích "trò đùa" này, song vẫn phân bua rằng thực đơn đó do một thành viên phi đảng phái soạn thảo, với mục đích tạo không khí vui vẻ và xoa dịu tình hình bằng cách kêu gọi mọi người không nên nghi ngờ về động cơ chính trị của ông Mal Brough. Và "nhờ vậy", ông Joe đang phải tìm cách tạ lỗi với nữ Thủ tướng Julia Gillard.
Bức xúc vì số đo cơ thể bị bàn tán
Không thể ngồi yên khi bị người ta mang số đo cơ thể của bà gán cho một món ăn chiêu đãi bàn dân thiên hạ, bà Gillard đã kịch liệt chỉ trích trò đùa quái đản này. Bà tuyên bố đây là một thực đơn quyên góp tiền phân biệt giới tính vô cùng phản cảm và rất tục tĩu.
Nữ Thủ tướng Australia cho rằng, vụ việc này thể hiện "lối ứng xử" chung của các thành viên trong đảng LNP. Bà Gillard cho biết, ông Tony Abbott từng miêu tả bà theo kiểu phân biệt giới tính, chẳng hạn ông từng ví bà như một "bà chằn" hay như một phù thủy.
Nữ thủ tướng Julia Gillard - hiện tượng nước Australia.
Trong khi bê bối tên món ăn chim cút chiên chưa lắng xuống thì ít hôm sau, trong một chương trình phát thanh trực tiếp toàn quốc do người dẫn chương trình nổi tiếng Howard Sattler (người nổi tiếng với những câu nói đùa gây sốc và cách nói chuyện thẳng thắn) dẫn, nữ Thủ tướng lại bị ép trả lời những câu hỏi liên quan tới giới tính thực của người bạn trai đang chung sống hiện tại. Sattler cho rằng, Tim Mathieson, bạn trai của bà Gillard trong suốt bảy năm qua, chắc hẳn phải là một người đồng tính vì công việc của ông là... thợ cắt tóc.
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia ngay sau đó đã cáo buộc người dẫn chương trình Sattler đang "vơ đũa cả nắm" và bôi nhọ thanh danh của những người đàn ông làm nghề cắt tóc. Bà giải thích, đó chỉ đơn thuần là những tin đồn ác ý, vô căn cứ nhằm hạ thấp nhân phẩm của bà. Bà Gillard phản ứng: "Thật là lố bịch! Tôi gặp ông Mathieson ở một tiệm làm tóc tại Melbourne trước khi trở thành Thủ tướng, và ông ấy hoàn toàn bình thường".
Người dẫn chương trình vẫn không dừng lại ở đó mà tiếp tục đặt ra các câu hỏi liên quan đến chủ đề gay (đồng tính) cho đến khi bà Gillard nói với ông rằng hãy "quay trở lại mặt đất". Sau buổi phỏng vấn khó chịu đó, nhà quản lý đài phát thanh đã ra tuyên bố rằng, Howard Sattler đã bị tạm nghỉ việc trong khi tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về kế hoạch của buổi phát thanh, đồng thời buộc phải gửi lời xin lỗi tới bà Gillard.
Cuộc chiến giành lại công bằng cho giới tính
Bà Julia Gillard giành được vị trí Thủ tướng và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Australia từ năm 2010 - 2013. Cũng từ đó, chính trường xứ sở kangaroo (chuột túi) mang đậm màu sắc "phân biệt giới tính" và đặc biệt, kể từ sau khi nữ Thủ tướng Gillard công khai phát biểu, sở dĩ bà bị chỉ trích nhiều chỉ vì bà là phụ nữ thì màu sắc đó càng rõ nét hơn.
Năm ngoái, bà đã trở thành tâm điểm trên toàn thế giới với một bài diễn văn "nảy lửa" trước Quốc hội về "tính ghét đàn bà" nhằm chỉ trích ông Tony Abbott thuộc đảng đối lập. Nữ Thủ tướng Australia còn nói thêm rằng, nếu ông Abbott được bầu làm Thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới, theo như kết quả khảo sát ý kiến cử tri, thì "mọi việc sẽ không đơn thuần là về những gì ghi trong thực đơn của các buổi tiệc gây quỹ nữa, mà chúng ta sẽ được thấy sự thiếu tôn trọng phụ nữ có mặt trong tất cả các văn bản chính sách của chính quyền do ông Abbott điều hành".
Trong lịch sử đất nước kangaroo, nữ Thủ tướng Julia Gillard có rất nhiều điều đặc biệt. Bà là phụ nữ, chưa kết hôn và không con, sinh ra ở nước ngoài. Quả thật không sai khi gọi Julia Gillard người phụ nữ đầu tiên ngự trị The Lodge, dinh Thủ tướng Australia ở Canberra và bà đã trở thành một hiện tượng của nước Australia. Mặc dù bị "dính" vào khá nhiều scandal ầm ĩ nhưng bà vẫn cứng rắn, giữ vững lập trường và nhanh chóng vượt qua sóng gió. |
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù tất cả những chính trị gia có liên quan đến vụ thực đơn chim cút chiên đều đã lên tiếng, người xin lỗi, kẻ chỉ trích nhưng sự lên tiếng đó không thể che lấp được một thực tế khó chối cãi: Trò đùa dù chỉ là trò vui cá nhân của ông chủ nhà hàng nhưng nó cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng nữ giới có ở khắp mọi nơi. Thủ tướng Gillard là một thực tế rõ nhất cho vấn đề này.
Bà là nạn nhân của tình trạng phân biệt giới tính khi người ta đánh giá rất gắt gao thành tích lãnh đạo của bà so với các Thủ tướng là nam giới trước đây. Giám đốc trường Cao học Quản lý Australia, Rosemary Howard, nói: "Có bằng chứng rõ ràng cho thấy người ta thường dùng những tiêu chuẩn đàn ông khi đánh giá tài năng lãnh đạo của đàn bà và việc này hay bị chi phối bởi những tiểu tiết, cho nên người ta thường vô tình hay cố ý làm ngơ những thành quả đáng kể của bà Gillard".
Nhiều người nhận xét, có thể bà Julia Gillard là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán nên nhiều người không thích. Đa số đều cho rằng bà Julia thiếu nữ tính và luôn khẳng định, giới tính chỉ là một sự tình cờ trong lý lịch.
Trên thực tế, Julia Gillard không bao giờ tự nhận là một tấm gương của một phụ nữ trong thế giới chính trị, mà luôn muốn chứng tỏ tinh thần "sống tốt" trên chính trường lắm kẻ thù và rất khắc nghiệt. Sự thông minh cùng đức tính khiêm nhường giúp bà tạo dựng được những thành công khó phủ nhận, ngang tầm với nhiều đồng nghiệp nam giới trong quá khứ...
An Mai (Theo Dailymail)