Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) cho biết, nhằm giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão. JVE Group đã đề xuất miễn phí lập quy hoạch hệ thống hầm ngầm chống ngập, kết hợp với cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô dọc sông Tô Lịch.
Clip: Chi tiết dự án chống ngập và chống ùn tắc nội đô dọc sông Tô Lịch
Dự án nếu được chấp thuận dự kiến sẽ xây dựng trong 5 năm, kết hợp với tổng thầu xây dựng lớn nhất Nhật Bản. Mục tiêu nhằm giảm hiện tượng úng ngập khi trời mưa và chống ùn tắc dọc tuyến đường sông Tô Lịch.
“Đặc biệt, dự án này sẽ sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản nên dự án này không phải dự án BOT, vì vậy JVE Group đề xuất không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua cao tốc ngầm nội đô đặc biệt này”, ông Tuấn Anh cho hay.
Theo phân tích của ông Tuấn Anh, dự án xây dựng cao tốc ngầm sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy. Tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường Vành Đai 3-Linh Đàm. Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp. Giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc.
Hạ tầng đường cao tốc ngầm bố trí đầy đủ hệ thống kỹ thuật thông gió, chiếu sáng, hệ thống cảnh báo cháy-chữa cháy, hệ thống cảnh báo nguy hiểm và lối thoát hiểm, Cũng như hệ thống biển báo hiệu cung cấp đầy đủ thông tin đến các phương tiện lưu thông trên tuyến theo tiêu chuẩn hiện hành.
Ngoài ra, đối với giải pháp chống ngập, theo thống kê thống kê, tính đến năm 2020 Thủ đô vẫn còn tồn tại 12 điểm đen úng ngập. Do vậy, nếu chỉ phụ thuộc vào việc tiêu thoát nước của sông Tô Lịch như hiện tại là “dòng sông hở” thì khó có thể giải quyết được vấn đề úng ngập của lưu vực sông Tô Lịch (bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2).
Do vậy, theo Chủ tịch HĐQT JVE Group, giải pháp xây dựng “dòng sông ngầm” để mực nước của dòng sông ngầm không bị ảnh hưởng bởi mực nước của các “dòng sông hở” như sông Tô Lịch, sông Nhuệ vv… thì sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thoát nước để chống úng ngập khi xảy ra mưa bão.
“Hệ thống đường cao tốc ngầm 2 tầng hoạt động hai chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ cửa ngõ cầu Nhật Tân đến đường vành đai 3 trên cao và ngược lại cũng như giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô, ông Tuấn Anh phân tích.
Được biết, hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản.
Mô hình "2 trong 1" này sẽ không chỉ giải quyết triệt để được hai "vấn nạn" úng ngập và tắc đường đã tồn tại nhiều năm qua cho khu vực nội đô Hà Nội mà còn là mô hình để giải quyết vấn nạn tương tự ở các đô thị lớn khác, góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của Đất nước ta, nhằm "Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng" như mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa qua.
"Thời gian tới, sau khi có sự chấp thuận về chủ trương của các cấp lãnh đạo Thành phố, JVE Group sẽ xúc tiến các thủ tục liên quan để triển khai dự án”, ông Tuấn Anh thông tin.
Trước đó, JVE Group đã từng đề xuất "Giải pháp tổng thể" cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch bằng đề án "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch" và dự án thí điểm khử mùi hôi tại hồ nước rác thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) và nhận được nhiều ý kiến tích cực
Lê Liên