Theo đó, về mặt chính sách cần có điều chỉnh theo hướng, tất cả các đơn vị truyền hình trả tiền phải kinh doanh trên cơ sở hạ tầng đã có, không được bắt dân phải bỏ tiền mua thêm đầu thu mới xem được nội dung do các đài khác độc quyền.
Nghĩa là đài nào có bản quyền buộc phải chia sẻ nội dung trên hạ tầng của đài khác, để người dân có quyền được xem nội dung của các nhà đài khác sẽ không phải đầu tư thêm thiết bị thu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn nhấn mạnh: "Đã là truyền hình trả tiền thì ai thích phải bỏ tiền ra xem, đài nào có khả năng đài đó mua được bản quyền".
|
K+ sẽ phải chia sẻ một phần bản quyền trên hạ tầng của các đài khác, song nhà nước không ép K+ phải chia sẻ miễn phí |
Trước mắt, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) và Ban điều hành đàm phán phải ngồi thống nhất với nhau trước về phương án chia sẻ, chia sẻ ra sao, chia sẻ ở mức nào, chia sẻ với nhau bao nhiêu là vừa. Chính sách nhà nước là điều chỉnh theo hướng chia sẻ hạ tầng chứ không ép K+ phải chia sẻ miễn phí cho các đài khác. K+ chia sẻ một phần, các đài khác phải gồng lên chia sẻ thêm một phần.
"Cần sớm thống nhất một phương án, các đài khác sẽ đóng góp về bản quyền với K+ ở mức độ nào, mỗi bên chịu một chút sao cho khoảng cách giữa các bên ở mức ngắn nhất. Bộ TT&TT chỉ đứng ra giải quyết khi các bên đã ngồi lại với nhau thỏa thuận được phương án chia sẻ bản quyền Ngoại hạng Anh", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói.
Về trách nhiệm của VTV, thứ trưởng Doãn cho rằng, VTV không thể can thiệp với phía nước ngoài nhưng VTV vẫn có quyền sở hữu về hạ tầng, K+ đang kinh doanh dịch vụ trên hạ tầng của VTV, do đó VTV phải có trách nhiệm trong việc tìm phương án hài hòa cho các đài khác.
Còn theo ông Vũ Quang Huy - phó giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, cuộc đấu tranh chống độc quyền bản quyền Ngoại hạng Anh không phải là chuyện riêng của VTC, AVG hay Viettel mà là vấn đề đấu tranh cho bản quyền các giải đấu thể thao nói chung. Nếu nhà nước không giải quyết được thành công tranh cãi về bản quyền Ngoại hạng Anh, rất có thể sau này đối tác nước ngoài sẽ tiếp tục mua tất cả bản quyền các giải đấu quốc tế khác, câu chuyện độc quyền truyền hình sẽ tiếp tục gây tranh cãi và không có điểm dừng.
Mới đây nhất, ngày 10/7, đại diện cho 12 hội cổ động viên bóng đá Việt Nam đã cùng ký tên gửi lên Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT phản đối K+ độc quyền Ngoại hạng Anh và đề nghị nhà nước vào cuộc giải quyết vấn đề này.
VTV cũng báo cáo với Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT về việc phương thức K+ chia sẻ nội dung. Cụ thể từ 3 năm nay, K+ đã thực hiện mô hình "đồng phân phối" gói kênh K+ (gồm kênh K+1 và K+NS) phát đầy đủ các trận của giải Ngoại hạng Anh với các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền khác. Hai kênh K+ này được đóng thành một gói riêng và các thuê bao của các đơn vị khác có thể xem được hai kênh K+1 và K+NS trên hạ tầng của các đơn vị này nhưng trả phí thuê bao cho K+. Mô hình này được thực hiện trên cơ sở những điều kiện kỹ thuật và thương mại theo thống nhất giữa K+ và các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền. VTV cho rằng: "Đây là một phương thức hợp lý, hiệu quả để đảm bảo quyền lợi khách hàng, đồng thời cho phép nhiều thuê bao nhất có thể tiếp cận với Giải bóng đá Ngoại hạng Anh".
Tuy nhiên, 5 đơn vị là VTC, Viettel, AVG, SCTV và HTV đã cùng ký vào bản cam kết sẽ không phát sóng nội dung của K+ trên bất cứ phương tiện truyền dẫn nào, bất cứ phương thức nào nếu K+ vẫn tiếp tục độc quyền 2 gói bản quyền Ngoại hạng Anh.
Theo Thể thao Văn hóa