Tra tấn tứ phía
Thời gian gần đây, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM – khi cấm các dịch vụ tụ tập đông người: karaoke, quán bar, vũ trường, nhà hàng… thì việc vui chơi, giải trí của người dân cũng hạn chế. Hầu hết người dân đều đồng quan điểm này để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Tuy nhiên, thay vào đó, việc hát karaoke của người dân không hề thuyên giảm, thậm chí có xu hướng bùng phát với vấn nạn loa kéo, loa thùng. Cùng với “hợp âm” từ các cơ sở kinh doanh hàng quán, các dịch vụ khác… tạo nên mớ âm thanh hỗn tạp, nhức óc… tra tấn, khủng bố người dân.
Đây cũng là vấn đề gây nhức nhối cho những người xung quanh, khi vấn nạn ô nhiễm tiếng đến mức báo động, tăng cao, từ sáng sớm cho đến tận khuya. Nói như ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM trong cuộc họp đối thoại với lãnh đạo các phường/xã mới đây: Người dân đi làm cả ngày hết sức mệt mõi, tối về còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được”.
Thực tế, thời gian nghỉ Tết Âm lịch vừa qua, người dân không có được điều kiện bình thường để đi du lịch, vui chơi, giải trí… nên thường xuyên ở nhà. Chính vì vậy, việc tụ tập ăn uống, hát hò thông qua loa kéo, loa thùng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
“Tôi rất bức xúc với tình trạng này, đặc biệt là họ hát từ sáng tới tận khuya, thậm chí có lúc: hai, ba nhà cùng hát một thời điểm, rồi âm thanh từ các cơ sở kinh doanh… nên âm thanh nhồi đến nghẹn cả lồng ngực. Tôi gọi báo lên phường nhưng không biết họ có xuống xử lý hay không nhưng thấy họ vẫn hát bình thường. Cục tức càng tăng lên nhưng không biết phải làm sao cả”, bà Hoàng Thị Phong Lan, ngụ quận 12, TP.HCM chia sẻ.
Qua tìm hiểu, ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật cho thấy, hiện nay loa kéo, loa thùng có giá rất phổ thông… do đó, ai cũng có thể mua được sản phẩm này để giải trí. Tuy nhiên, do người dân lạm dụng, sử dụng quá mức dẫn đến gây ra tiếng ồn và tạo nên một mớ âm thanh hỗn độn. Đây thực sự là loại ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị cần phải được quản lý và và xử lý một cách hợp lý.
Về giá của loại sản phẩm này, PV vào một số trang mạng bán hàng online tham khảo, loa kéo có giá rất rẻ. Điển hình như trên một trang mua sắm, loa karaoke bluetooth di động - vali kéo K108 bass 2.5 tấc, có giá chỉ 745.000 đồng. Giá này đã giảm 38%, lại còn “được tích hợp đầy đủ các chức năng của loa kéo chuyên nghiệp, nghe nhạc rất hay, có tặng kèm 1 micro không dây”.
Thậm chí, có loại còn rẻ hơn như loa karaoke bluetooth di động - vali kéo K108 thùng gỗ, bass 20cm phiên bản 2019, có giá chỉ 645.000 đồng. Giá này cũngđã giảm 35%, dù vậy có công suất tới 150w. Ngoài ra, còn được tặng kèm micro không dây. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nên giá thành thường rẻ, âm thanh không đạt chuẩn, nghe hết sức nhức nhối, chủ yếu là vang xa.
Theo các chuyên gia, hiện nay, để quản lý tiếng ồn nói chung và từ các loa hát karaoke tự phát nói riêng, các quy định đã có vấn đề còn lại là phải tổ chức thực hiện một cách quy củ, đúng quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng này.
Xử phạt và kiên quyết làm nghiêm
Hơn nữa,“người thực thi công vụ phải biết lắng nghe và dám làm,nếu không thì sẽ rất khó xử lý tình trạng này.Bởi,trong quá trình hình xử lý, nhiều cán bộ, công chức còn ngần ngại, e dè, sợ hãi, thậm chí còn có ý nghĩ“mặc kệ” dù có phản ánh của người dân. Hoặc chỉ nhắc nhở mộtcách qua quýt, thiếu quyết liệt, hoặc làm ngơ… dẫn tới nhiều câu chuyện đáng buồn xảy ra”, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM cho hay.
Bên cạnh đó, luật sư Hùng cho rằng: “Cũng cần trang bị thêm các trang thiết bị cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, ở đây là cán bộ cấp xã/phường/khu phố để họ có căn cứ cơ sở để xử lý đối với những trường hợp ấp tạo ra tiếng ồn. Ví như là thiết bị đo được tiếng ồn, từ đó có căn cứ xử lý và phải xử lý hết sức quyết liệt thì dẹp được ngay”.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Hải, đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Phải có quy định xử phạt và có khung xử phạt đầy đủ để làm căn cứ xử lý, giống như việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nếu người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng thì bị xử phạt bao nhiêu tiền.Với mức phạt như trên, người dân đãtuân thủ tương đối tốt, rất ít người không đeo khẩu trang nơi công cộng vào thời điểm này.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến việc tổ chức thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây. Khi tổ chức thực hiện nghiêm và có mức xử phạt cao, người dân chắc chắn sẽ chấp hành.Bây giờ cũng vậy,nếu ban hành mức xử phạt cao và tổ chức thực hiện nghiêm và làm điểm một vài trường hợp, người dân tự khắc sẽ chấp hành.Theo tôi, có thể không sắp xếp thời gian để người dân được vui chơi giải trí, vì đây là nhu cầu có thật. Ví như có thể cấm trong khung giờ giờ: 12h đến 15h; 22h đến 6h sáng không được hát karaoke, chắc chắn người dân sẽ phải tuân thủ”.
Trước vấn nạn này, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBND MTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng: “UBND TP.HCM cần phải đưa ra các nội dung cam kết để người dân không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào các quy định, quy ước, nội quy của khu phố, ấp, tổ dân phố phố… nhằm nhắc nhở người dân tự giác thực hiện. Bởi thời gian qua, cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết trong việc xử lý các trường hợp hát karaoke không phù hợp, với tiếng ồn quá lớn. Thực tế cho thấy, nhiều hộ dân đã bị tra tấn vì tiếng ồn rất lớn trong thời gian dài. Từ đó, gây bất hòa trong mối quan hệ gia đình, khu dân cư, thậm chí đã nhiều có nhiều vụ án mạng đã xảy ra”.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM bày tỏ: “Hiện nay, tiếng ồn không chỉ phát ra từ các dịch vụ kinh doanh karaoke mà chủ yếu là phát sinh từ hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh khác dùng loa để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, mở nhạc tại các con đường… dẫn đến tiếng ồn từ loa thùng, loa kéo là rất lớn. Do đó, chúng tôi sẽ ra soát, phối hợp với các sở, ban ngành, các địa phương để để thanh kiểm tra, lập biên bản, xử phạt và sẽ có các giải pháp cụ thể cho về vấn đề này”.
Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là sở Tài nguyên - Môi trường rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan về môi trường,an ninh trật tự, văn hóa… từ đó có hướng dẫn cho các cơ sở bám vào đó, tổ chức thực hiện. Một khi đã có quy chế rõ ràng và và tổ chức thực hiện nghiêm, chắc chắn sẽ chấn chỉnh được tình trạng này”.
Chủ tịch TP HCM yêu cầu xử lý karaoke tra tấn người dân. Lãnh đạo UBND TP HCM đề nghị cơ quan chức năng cần thấy trách nhiệm của mình và tập trung xử lý tình trạng tiếng ồn karaoke tra tấn người dân. Yêu cầu này được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với chủ tịch UBND 312 phường, xã, thị trấn sáng 26/2. Đây là hoạt động thường niên của UBND thành phố với lãnh đạo các địa phương vào đầu năm.
CHÍ THANH