Kẻ bắt nữ điều dưỡng làm con tin sẽ phải đối diện với mức án nào?

Kẻ bắt nữ điều dưỡng làm con tin sẽ phải đối diện với mức án nào?

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 2, 30/10/2017 13:50

Hành vi dùng hung khí bắt nữ điều dưỡng làm con tin của đối tượng Trần Đức Anh đã có dấu hiệu của tội Bắt, giữ người trái pháp luật. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự.

Liên quan đến vụ bắt cóc con tin ở Thường Tín (Hà Nội), cơ quan công an xác định đối tượng gây án là Trần Đức Anh (23 tuổi, ở phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Đối tượng từng có tiền án về tội Cướp tài sản.

Góc nhìn luật gia - Kẻ bắt nữ điều dưỡng làm con tin sẽ phải đối diện với mức án nào?

Đối tượng Trần Đức Anh.

Nạn nhân là chị Lê Thị H. (47 tuổi, điều dưỡng viên viện Pháp y tâm thần Trung ương).

Thông tin ban đầu về vụ việc, vào khoảng 8h40 sáng 29/10, Trần Đức Anh đi vào khu thăm hỏi, tiếp tế cho các bệnh nhân đang điều trị tại viện Pháp y tâm thần Trung ương (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) và yêu cầu các y bác sĩ cho gặp “người anh” Trương Kim Hoàng (SN 1986, trú tại Hàng Gai, Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội).

Vừa gặp Hoàng, đối tượng bất ngờ dùng súng, dao găm đe dọa các nhân viên điều dưỡng. Đức Anh chạy dọc theo hành lang thì gặp chị Lê Thị H. (nhân viên điều dưỡng) nên nhanh chóng dùng tay phải đang cầm súng kẹp cổ nạn nhân và tay trái gí vào cổ chị H. khống chế yêu cầu phải mở cửa đưa Hoàng về nhà.

Góc nhìn luật gia - Kẻ bắt nữ điều dưỡng làm con tin sẽ phải đối diện với mức án nào? (Hình 2).

Đối tượng khống chế nữ điều dưỡng vào cửa hàng hoa.

Sau khi được viện Pháp y tâm thần Trung ương mở cửa, Đức Anh đã khống chế nạn nhân lên chiếc taxi cùng Hoàng trốn chạy. Tuy nhiên trước sự truy đuổi của cơ quan công an, Đức Anh xuống xe và tiếp tục khống chế chị H. vào cửa hàng bán hoa tại thị trấn Thường Tín.

Tại hiện trường, với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm đấu trí với tội phạm, lực lượng công an đã kiên trì thuyết phục, tác động tâm lý đến đối tượng. Sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ Công an Hà Nội đã giải cứu thành công nạn nhân, đảm bảo an toàn.

Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, hành vi của đối tượng Trần Đức Anh đã có dấu hiệu của tội Bắt, giữ người trái pháp luật. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123, Bộ luật hình sự.

Luật sư Tuyến phân tích, tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mặc dù với tội Bắt, giữ người trái pháp luật, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng để có căn cứ xử lý đúng bản chất vụ việc, cơ quan công an cần điều tra, làm rõ.

Theo khoản 1, Điều 123, đối tượng có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đối tượng cũng có thể bị phạt tù từ 1-5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người thi hành công vụ; phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người.

Liên quan đến khẩu súng mà Trần Đức Anh sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội, theo luật sư Nguyễn Thị Tuyến cơ quan chức năng cần xác định đó là khẩu súng thật hay giả.

Nếu là súng thật thì cần thiết phải trưng cầu cơ quan chuyên môn xác định là loại vũ khí quân dụng hay tương tự vũ khí quân dụng. Nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng theo Điều 230, Bộ luật Hình sự. Nếu khẩu súng đó tương tự vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng về theo điểm c, khoản 5, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Việt Hương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.