Mới đây, quận Hoàn Kiếm đang xin ý kiến các nhà khoa học về việc thay thế bờ kè bị sạt lở nghiêm trọng bằng bê tông đúc sẵn để chắc chắn, tuy nhiên việc nay hiện đang gây tranh cãi từ các chuyên gia, họ lo ngại về tính khả thi của việc này.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - Phạm Tuấn Long, thực tế kè ở Hồ Gươm đã xuống cấp, trong công tác cải tạo thì hạng mục kè hồ là quan trọng nhất. Những nội dung liên quan đến đường dạo, thảm cỏ, cây xanh, cấp điện, thoát nước... làm thường xuyên và quen thuộc, không gặp khó khăn nhiều.
Cũng theo ông Long: “Yêu cầu của Thành ủy, UBND thành phố, việc kè hồ phải triển khai thi công nhanh gọn, tác động ít nhất đến hiện trạng. Thứ hai là không được phép thu nhỏ diện tích mặt nước. Thứ ba, việc thi công không được ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường đang diễn ra, nhất là vào dịp cuối tuần khi hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là không gian đi bộ. Thời điểm thi công phải lựa chọn phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động khác của khu vực”.
Báo cáo của đơn vị tư vấn đã khảo sát, toàn bộ kè Hồ Gươm dài khoảng 1.600 m, trong đó có khoảng 600 m đã hư hỏng. Tháng 11/2019, đơn vị đã triển khai thí điểm thực tế một đoạn 5m tại hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình. Mỗi cấu kiện kè dài 1 m, chiều cao 2,5 m, nặng 2,5 tấn.
Theo đơn vị này, chất liệu bằng bê tông cốt sợi, không có ion, không ăn mòn, có thể trường tồn trong môi trường, yên tâm sử dụng lâu dài và đây là công nghệ hoàn toàn của Việt Nam.
Tuy nhiên kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện cho rằng, việc thay thế bờ kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn thứ nhất sẽ làm thu hẹp diện tích của hồ vì tấm bê tông có tải trọng rất nặng và dày, thứ 2 là sẽ làm ảnh hưởng cảnh quan xưa nay vốn có của hồ, làm mất đi giá trị của hồ.
“Mặc dù đề án này đã có từ lâu tuy nhiên vẫn chưa được thực thi, chúng ta nên tính toán kĩ lưỡng để chọn phương án phù hợp, tự nhiên nhất với Hồ Gươm. Theo tôi thì vẫn nên để hồ tự nhiên như hiện tại chỉ sửa chữa chứ không nên đưa những khối bê tông kia vào hồ”, KTS. Luyện nêu quan điểm.
PGS.TS. Đoàn Thế Tường, Nguyên Phó viện trưởng Khoa học công nghệ xây dựng, bộ Xây dựng - người trực tiếp tham gia góp ý cho quận Hoàn Kiếm cho biết, việc này trước kia đã nói rất nhiều, nhưng đơn vị thi công cũng chưa rõ ràng trong việc làm thế nào để đảm bảo mỹ quan đô thị, cũng như chưa công bố rõ một số tính năng như tải trọng và cầu trúc của việc thay tấm bê tông này, điều này chúng ta cần phải được biết.
“Theo tôi nếu muốn đặt những tấm bê tông này phải nghiên cứu kỹ và làm thế nào không ảnh hưởng đến hồ cũng như việc tham quan của du khách, làm nhanh gọn hoặc chuyển một phương án khác”, TS. Tường cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia văn hóa Lê Qúy Đức cho hay, việc sửa chữa nâng cấp bờ kè của Hồ Gươm là cần thiết vì hồ cũng phải chịu nhiều tác động về giao thông xung quanh, điều này đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu bờ kè trước kia vẫn khả thi đảm bảo cảnh quan và những cái truyền thống của di sản thì chúng ta nên giữ lại vì nó tự nhiên.
“Chúng ta không nên phá vỡ đi cái giá trị của Hồ Gươm vì nó đã gắn bó với người dân thủ đô hàng trăm năm nay. Nếu thay thế cần nghiên cứu kĩ lưỡng tránh tổn hại đến Hồ”, chuyên gia văn hóa nhận định.
Thanh Lam - Di Hân