Mười hai năm làm "chuột chũi"
Theo miêu tả của những cựu sĩ quan KGB, Vasily Mitrokhin là điệp viên có nghề được đào tạo tương đối bài bản. Là người con của đất nước Xô Viết lừng danh, ông sớm giác ngộ lý tưởng anh hùng của thanh niên thời đó.
Sau khi rời trường trung học, ông nhập trường pháo binh, rồi tiếp tục học trường đại học ở nước Cộng hòa Kazakhxtan thuộc Xô Viết. Tốt nghiệp với tấm bằng lịch sử và pháp luật loại ưu, Mitrokhin rơi vào tầm ngắm của không ít đơn vị. Thế nhưng, dù đường quan lộ trải đầy hoa hồng, chàng thanh niên này lại quyết định dấn thân theo con đường quân sự đầy hiểm nguy.
Chân dung "kẻ đào tẩu" Vasili Mitrokhin.
Khởi nghiệp là một kiểm sát viên quân sự tại Kharkov (Ukraina), thời gian sau Mitrokhin được đặc cách vào Học viện Ngoại giao ở Maxcơva. Năm 1948, ông chính thức bước vào thế giới của những người "hoạt động ngầm".
Ông đầu quân cho Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) và được đánh giá là điệp viên tràn đầy nhiệt huyết. Nhờ những năng lực vượt trội cũng như bảng thành tích dày đặc của mình, Mitrokhin nhanh chóng trở thành một điệp viên rất được cấp trên coi trọng.
Ông có cơ hội tiếp cận với những nguồn tài liệu tuyệt mật của lực lượng tình báo Xô Viết. Năm 1956, ông được chuyển tới làm việc tại kho lưu trữ của KGB. Giai đoạn này ông bắt đầu bộc lộ thái độ bất mãn với cơ quan tình báo KGB.
Trước khi chuyển đến đây, ông đã mang trên vai quân hàm thiếu tá, trở thành nhân vật quan trọng của tình báo chính trị vì đã thu thập được nhiều thông tin rất có giá trị về Mỹ, Anh, Argentina, Mexico, Italia và nhiều nước khác. Ông cũng từng có một thời gian hoạt động bí mật tại Trung Đông.
Vasily Mitrokhin đã học được cách đưa ra những quyết định độc đáo trong các tình huống hiểm nguy. Ông cũng là một đặc vụ cực kỳ thông minh và có trí nhớ lạ thường. Trong 12 năm cuối cùng phục vụ trong ngành tình báo, Mitrokhin đã đánh cắp hàng nghìn tài liệu tuyệt mật từ kho lưu trữ, nhét chúng vào đế giày mang về nhà sao chép lại. Hàng đêm, trong một căn phòng tuyệt đối bí mật, đặc vụ này đã lặng lẽ sao chép tài liệu bằng tay.
Sau đó, ông đút các tài liệu trong các chai đựng sữa và giấu chúng trong vườn hoặc dưới nền nhà chờ thời cơ. Chuyên gia sao chép này hoạt động bí mật đến mức người vợ đêm đêm đầu ấp má kề cũng không thể phát hiện ra ông đang làm gì. Vasily Mitrokhin linh tính rằng, khi ông thất thế, những tài liệu trên sẽ là tấm vé giúp ông thay đổi cuộc sống.
Năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ và 8 năm sau khi rời KGB, đặc vụ Mitrokhin đã quyết định phản bội và chạy sang phương Tây. Cựu điệp viên này nhanh chóng liên lạc với các quan chức CIA tại Latvia với số tài liệu thu thập được và đề nghị được đào tẩu.
Bị người Mỹ từ chối thẳng thừng, Mitrokhin đã quay sang các mật vụ MI6 (cơ quan tình báo Anh), những người đã khuyên Mitrokhin tới Anh. Nhận được thông tin về kho tài liệu Mitrokhin thu thập được, MI6 đã ngay lập tức cử mật vụ kỳ cựu Richard Tomlinson vào vai một nhà báo tới Nga để đào các tài liệu của KGB chôn giấu trong vườn nhà ông.
Sau này, theo tiết lộ của những điệp viên Anh, số tài liệu trên nhiều đến mức được chất đầy trong sáu chiếc vali để vận chuyển tới Luân Đôn. Từ thân phận "chuột chũi", Mitrokhin bỗng trở thành "người hùng", được MI6 hậu thuẫn chiêu mộ về phe mình. Ông và gia đình đã bí mật trốn sang Anh.
FBI sau đó nói rằng các tài liệu của Mitrokhin là "nguồn tin rộng lớn và hoàn thiện nhất từng nhận được từ bất kỳ nguồn nào". Bộ hồ sơ này đã làm sáng tỏ nhiều trang bí mật của những điệp vụ thời Chiến tranh lạnh.
Trong số những tài liệu mà Mitrokhin đánh cắp được có một danh sách những gián điệp Anh từng làm việc cho Liên Xô, thậm chí có cả những nhân vật đầy quyền lực hồ sơ lúc nào cũng được giữ trong két sắt... Những thành phần này nhanh chóng bị MI6 lật tẩy hoặc thanh trừng.
Mitrokhin đã sao chép hàng ngàn tài liệu của KGB để cung cấp cho MI6.
Lật tẩy "nữ điệp viên thế kỷ"
Tài liệu của Mitrokhin cung cấp cũng giúp cơ quan phản gián Anh phát hiện ra bộ mặt của "nữ điệp viên thế kỷ" Melita Norwood - một gián điệp từng cung cấp bí mật hạt nhân của Anh cho Liên Xô trong gần 40 năm. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong con mắt của dân chúng toàn thế giới, không phải Mitrokhin mà Melita Norwood mới chính là "người hùng". Chính việc tiết lộ bí mật hạt nhân này đã cứu loài người khỏi thảm họa hạt nhân.
Thời điểm đó, nhờ Melita, Stalin đã biết về công trình nghiên cứu bom nguyên tử của Anh còn rõ hơn cả Thủ tướng Anh Clement Attlee cùng các thành viên nội các của ông ta. Những tài liệu Melita cung cấp đã giúp Liên Xô xây dựng thành công chương trình bom nguyên tử để đối trọng với phương Tây.
Việc làm của nữ điệp viên Melita Norwood đã vô tình góp phần ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân bùng nổ trong thế kỷ 20. Bởi theo lập luận của các nhà phân tích, Mỹ có rất nhiều khả năng sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên sau khi đã thực hiện tại Nhật Bản, nếu họ biết Liên Xô chưa chế tạo được loại vũ khí tương tự.
Thực tế, từ năm 1992, dù được Mitrokhin cung cấp nhiều tài liệu để vạch mặt nữ gián điệp Melita Norwood, cơ quan tình báo Anh MI6 vẫn quyết định không truy tố bà vì cho rằng chưa đủ bằng chứng. Các bộ trưởng an ninh Anh cũng không bình luận gì về quyết định này trước các phương tiện thông tin đại chúng.
Bản thân các tài liệu của Mitrokhin cũng như sự kiện phản bội của ông ta cũng bị giữ kín mãi đến năm 1996. Riêng Bộ trưởng Nội vụ Anh Jack Straw, tới tận năm 1997 mới chính thức đề cập tới trường hợp Vasily Mitrokhin và những tài liệu của ông ta.
Mãi đến ngày 11/09/1999, "nữ điệp viên thế kỷ" năm xưa giờ đã thành một bà già sống lặng lẽ mới bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô. Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, Bộ Tư pháp Anh chính thức tuyên bố bằng văn bản rằng, nữ gián điệp Melita Norwood sẽ không bị truy tố và bà có thể yên tâm sống đến cuối đời mà không sợ phải ra tòa. Báo chí Anh ngay sau sự kiện trên đã đăng tải tràn ngập thông tin về bà lão Melita Norwood và cuộc tranh cãi giữa công tội của bà và Mitrokhin.
Khi trả lời phỏng vấn, Melita Norwood tự tin tuyên bố từng chuyển cho Liên Xô nhiều thông tin "có thể có giá trị" về vũ khí nguyên tử của Anh. Bà cũng cho biết, mục tiêu của việc hợp tác với tình báo Liên Xô không phải vì tiền mà vì tình yêu đất nước này và muốn Liên Xô được ngang hàng với Anh, Mỹ về vũ khí chiến lược.
Tờ báo Mỹ Christian Science Monitor trong số báo ngày 12/11/2010 với bài báo "Cái chết dành cho bọn gián điệp!" nói rằng, "các nhân viên Ủy ban Đặc biệt toàn Nga, ngoài Litvinenko, đã giết ít nhất 5 kẻ đào tẩu.
Trong đó có kẻ "tình cờ" bị chết nghẹn bởi miếng thịt; kẻ bị điện giật trong nhà tắm khi vô tình túm vào một thiết bị điện đang bật; kẻ chết trong "hoàn cảnh bí ẩn" mà không rõ nguyên nhân. Còn Vasily Mitrokhin, kẻ phản bội này đã bị ám sát, "chết vì viêm phổi" vào ngày 23/1/2004.
Anh Văn