Đối với anh cũng như nhiều nghệ sĩ tâm huyết khác, nghệ sĩ không phải là người chỉ biết tới nghệ thuật mà phải là người biết lắng nghe và khi cần phải "nhảy" vào, xốc vác những vấn đề xã hội.
Nghệ sĩ độc diễn rối nước Phan Thanh Liêm vẫn mải miết với con đường độc hành rối nước của mình
Tự chọn lối đi riêng
Phan Thanh Liêm là truyền nhân đời thứ 7 của một gia đình có truyền thống làm nghề rối nước ở làng Rạch, xã Hồng Quang, tỉnh Nam Định. Gia đình vốn đứng đầu một phường rối nước, có cha là nghệ nhân Phan Văn Ngải được biết đến như người đầu tiên bắt tay vào cải tiến sân khấu thủy đình ở Việt Nam, chính điều này đã có ảnh hưởng lớn tới anh ngay những ngày còn thơ bé.
Lúc bấy giờ, ở thôn quê, trẻ con lớn lên không có nhiều trò giải trí như bây giờ. Tất cả từ già trẻ lớn bé, quanh năm chỉ mong đến những ngày hội. Cả làng tập trung quanh ao làng, đông nghẹt. Bên dưới, mọi người chen chân nhau đứng. Trên sân khấu thì những tễu, những tiên, những nghêu sò ốc hến… vẫn mải miết diễn.
May mắn vì sinh ra đã là con nhà nòi nên anh được cha và ông truyền đạt trực tiếp cho những bí kíp riêng của tổ phường. Có thời gian, anh lại ngồi chúi mũi xem cha tạc tượng rối nước. Những con rối tưởng chừng vô tri vô giác mà khi lên sân khấu lại mang đủ linh hồn của các kiếp người trong xã hội đã trở thành niềm đam mê đặc biệt của anh so với các bạn bè cùng trang lứa.
Lớn lên, Phan Thanh Liêm rời làng quê ra Hà Nội lập nghiệp. Thời gian đầu anh xin làm phục chế tượng ở bảo tàng Mỹ thuật. Khách du lịch đến bảo tàng đông, ai cũng có nhu cầu muốn mua một thứ gì đó gọi là kỷ niệm, anh mới nghĩ đến việc làm những con rối bé chỉ bằng gang tay, vừa tiện cho vào hành lý xách tay, vừa dễ bày biện. Đấy là những con rối tí hon đầu tiên mà anh làm, rồi cứ thế, cái duyên ấy cứ đẩy anh lên phía trước.
Nhưng bước ngoặt phải đến năm 2001, khi anh đã chuyển sang làm việc tại viện Sân khấu thì triển lãm văn hóa nghệ thuật toàn quốc ở Vân Hồ diễn ra. Theo lời mời của bạn bè, anh đưa một số con rối tí hon của mình ra biểu diễn cho du khách quốc tế. Vốn dựng một sân khấu thủy đình truyền thống tốn rất nhiều diện tích, nhiều diễn viên, chi phí và khó khăn trong việc lắp đặt, tháo dỡ. Đau đầu vì chuyện này, mãi anh mới nghĩ ra giải pháp: Cải tiến thêm một bước nữa sân khấu thủy đình trên cơ sở sẵn có từ trước của cha. Vẫn đầy đủ 4 mặt nhưng kích cỡ nhỏ, bán kính chỉ hơn 1m, nhỏ hơn rất nhiều so với sân khấu thông thường. Anh còn cho lắp thêm các cột đình cho sinh động.
Vật liệu thì được làm bằng cao su, có khả năng chống va đập và không thấm nước. Đi cùng với những con rối nhỏ đã làm từ trước, sân khấu của anh chính thức trình diễn. Những màn biểu diễn chỉ có duy nhất một nghệ sĩ đứng sau cánh gà nhưng vẫn đầy đủ các nhân vật, các tích trò khiến du khách kinh ngạc và bị hấp dẫn ngay. Từ đó cái tên Phan Thanh Liêm trở thành một địa chỉ quen thuộc với những người yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt này nói chung và lối trình diễn độc đáo chỉ có anh nói riêng.
Nghệ sĩ cũng phải sống trong lòng xã hội
Thời gian biết tới anh, khoảng cuối năm 2010 đầu năm 2011, lúc ấy anh đang ấp ủ cho ra đời rối giao thông. Anh bày tỏ, bây giờ ra đường thấy giao thông nước mình tệ quá, mà tệ hơn cả là ý thức của người tham gia giao thông. Nghĩ ngày nghĩ đêm, cuối cùng anh đưa vấn đề này lên sân khấu.
Gia đình nhỏ là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh bên cạnh rối nước
Cũng vẫn sân khấu thủy đình, anh lại đem những chiếc ô tô, xe máy, những cô cậu tổ lái, đánh đu, lạng lách lên khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thành công ở rối giao thông, anh lại tiếp tục trăn trở với cái gọi là "rối môi trường". Hỏi anh có "nhiều chuyện" quá không, anh chỉ cười: "Cho dù là nghệ sĩ thì vẫn sống trong cộng đồng, phải quan tâm tới những vấn đề xã hội và khi cần thì luôn sẵn sàng xắn tay vào. Cho dù mình chỉ làm được một chút, nhưng nhiều cái một chút cộng lại thì sẽ ra cả vấn đề...", nói rồi anh lại hớn hở đem bản maket rối môi trường ra.
Trên sân khấu thay vào hình ảnh của những chiếc đình, cây cau, giếng nước… sẽ là những khu rừng, nhà sàn, những chiếc cây được lắp đặt di động. Những thân phận người, cảnh bình yên và sự phẫn nộ của rừng, của thiên nhiên sẽ được diễn tả một cách trọn vẹn.
Nói rồi bất chợt giọng anh chùng xuống: "Mọi thứ gần như đã xong rồi, chỉ thiếu vấn đề đầu tiên là "tiền đâu" thôi". Làm ra một mô hình thì dễ nhưng để duy trì nó thì lại khó. Lần này, bởi có quá nhiều chi tiết, nhiều nhân vật và câu chuyện phức tạp, anh buộc phải có các cộng sự, thêm nữa chi phí cho việc âm thanh, ánh sáng cũng là cả một vấn đề.
Khi hỏi về gia đình, về người kế nghiệp, Phan Thanh Liêm chỉ cười. Anh có hai cậu con trai, cậu lớn lúc mới đi học, bị bạn bè trêu thành ra "kiềng" rối nước. Dần dần, thời gian giúp cậu hiểu ra vấn đề nhưng vẫn còn ngại ngùng, duy chỉ có cậu út là mê rối. Mới 4 tuổi thôi nhưng bé đã có thể ngồi hàng giờ bên cha xem làm rối. Đi học về, hễ thấy có khách đến xem là leo tót lên tầng 4, nhảy vào xin cha cho diễn cùng. Bé còn tự hào đến lớp khoe về công việc của cha và mời cô giáo cùng các bạn đến xem, nhiệt tình đến mức cô giáo phải thốt lên: "Chú nhóc này giỏi quảng cáo quá trời". Nghe nói, cậu bé chỉ cười tít.
Phan Thanh Liêm không muốn có sự áp đặt nào lên tương lai của các con, anh chỉ muốn các con mình được phát triển một cách toàn diện. Có độc hành hay không trên con đường rối nước phía trước thì chỉ có tương lai mới trả lời được. Hiện tại, công việc và gia đình vẫn là niềm vui lớn nhất đối với anh.
Kỷ niệm vui từ những chuyến đi nước ngoài lưu diễn Đi biểu diễn ở nhiều nơi, từ Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản… anh ước mơ đem rối nước đến với bạn bè quốc tế như một niềm tự hào riêng của người Việt. Với sân khấu thủy đình nhỏ của mình, anh một mình "tả xung hữu đột" khắp nơi. Tuy cả đoàn chỉ có một thành viên nhưng số lượng đạo cụ vẫn còn nhiều. Có lần tham dự Festival Andersen ở Ý, anh đã cẩn thận đến trước mấy ngày cho yên tâm, nhưng đến nơi do có vài trục trặc nhỏ, số hàng hóa ký gửi mà chủ yếu là đạo cụ bị lạc vào kho cả tuần. Bất đồng ngôn ngữ, anh không biết phải xoay xở thế nào. Đang lúc tuyệt vọng thì anh may mắn gặp được cứu tinh. Vừa biểu diễn vừa mừng, vừa tủi, đến khi khán giả bên dưới vỗ tay rào rào mới thấy hạnh phúc ngập tràn. Tháng 4/2008, Phan Thanh Liêm được tổ chức múa rối thế giới UNIMA kết nạp thành viên. |
Đỗ Huệ