Nghịch lý là trong khi cơ quan quản lý cố để thêm một dòng thông tin vào đơn thuốc thì theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, thị trường thuốc online lại chẳng cần đơn, cần số chứng minh thư dù đó là thuốc phải bán theo đơn.
Đơn thuốc phải có số CMT mới bán là…không tưởng
Thông tư 52/2017/ TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú trong đó yêu cầu đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. PV báo ĐS&PL đã có những ghi nhận nhanh ý kiến của các bên liên quan sau khi quy định này bắt đầu có hiệu lực.
Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, các bậc cha mẹ đã phản ứng với quy định này và 2 ngày sau khi quy định có hiệu lực, ông không thể thực hiện được vì phụ huynh không hợp tác.
“Các bậc phụ huynh không mang theo chứng minh thư/thẻ căn cước nên làm sao ghi được. Họ trợn tròn mắt khi tôi nói về quy định này. Không lẽ phụ huynh không mang chứng minh thư thì bác sĩ không kê đơn cho bệnh nhi con họ. Quy định phải khả thi chứ không thể ra quy định mà lại không thể thực hiện được”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Bác sĩ than thời, còn người nhà bệnh nhân cũng “lăn tăn” về quy định này. Thực tế, ngoài việc chuẩn bị các giấy tờ của trẻ và tiền khám, chữa bệnh, ít phụ huynh mang theo chứng minh thư vào phòng khám bệnh của con. Chúng tôi cũng đã có cuộc khảo sát nhanh tại bệnh viên Nhi Trung Ương. Theo ghi nhận của PV, ngày 1/3, mẫu đơn thuốc của bệnh viện vẫn như cũ và không có mục ghi số chứng minh thư của cha mẹ bệnh nhi.
Lếch thếch ôm túi đồ đạc, bác Nguyễn Thị Lý (Phú Thọ) cho biết: “Con trai và con dâu tôi đều đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Hai vợ chồng tôi phải trông nom đứa con gần 2 tuổi cho các con. Nếu cần chứng minh thư của bố mẹ chúng mới được kê đơn, mua thuốc thì chúng tôi phải làm sao?. Rồi lúc lỡ tôi ốm đau, tôi lại phải nhờ người khác đưa cháu đi khám thì làm thế nào?”.
Dù Thông tư đã có hiệu lực nhưng bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng: “Quy định đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải có số chứng minh thư/căn cước của cha mẹ trẻ là rất rắc rối. Việc này chỉ để tiện lợi cho ngành quản lý chứ không phải là làm những gì tốt nhất cho trẻ em”.
Ông An dẫn chứng, nếu phụ huynh đi mua thuốc mà quên không mang chứng minh thư, khai số chứng minh thư sai sẽ vô cùng phiền toái cho họ. Đối với các bác sĩ khám, chữa bệnh cho trẻ nhỏ tại các bệnh viện nếu họ ghi sai hoặc không ghi số chứng minh thư sẽ không được thanh toán bảo hiểm.
“Với tư cách là bác sĩ nhi khoa, tôi cho rằng quy định này không thực tế, khó thực hiện. Đây là đơn thuốc ngoại trú, nếu họ mua ngay tại nhà thuốc bệnh viện may chăng cơ quan quản lý quản được. Còn nếu họ mua thuốc ven đường, quy định đơn thuốc phải có số chứng minh thư mới bán là điều không tưởng”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nói.
Thuốc bán theo đơn nhưng không…cần đơn thuốc
Trái ngược với quy định cực kỳ chặt chẽ trong việc kê đơn thuốc ngoại trú với trẻ dưới 72 tháng tuổi, theo tìm hiểu của PV, việc kinh doanh, mua bán thuốc online lại dễ vô cùng tận. Người mua thuốc không cần đơn thuốc, đương nhiên càng chẳng cần số chứng minh thư trên đơn. Đặc biệt, các nơi bán thuốc cũng chẳng quan tâm nhiều đến các thông tin này.
Trong vai một người cần mua thuốc, chúng tôi đã liên lạc với một trong các số hotline của websie thuoctl…vn, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ với sự dễ dãi khi bán thuốc của họ. Trên website này, danh mục thuốc có từ kháng sinh, da liễu, tim mạch, an thần…đều đủ cả.
Chúng tôi chỉ cần alo đặt mua 5 hộp thuốc kháng sinh Zinat 500mg, nhân viên trực số hotline liền tư vấn giá cả mà chẳng hề quan tâm rằng tôi có đơn thuốc hay không. Dù ở ngoài bao bì, loại thuốc này có ghi “Thuốc bán theo đơn”.
“Giá của một hộp Zinat 500mg là 250.000 đồng/hộp. Nếu chị đặt mua thì sau khoảng 2,3 ngày, thuốc sẽ được chuyển đến địa chỉ đặt. Phí giao hàng ra Hà Nội sẽ là 30.000 đồng”, nhân viên này cho hay. Lấy lí do là cần có thuốc dùng ngay, chúng tôi tạm gác đơn đặt hàng lại.
Dù nhà thuốc online này cam kết bán hàng chính hãng, trung thành phục vụ nhưng họ cũng không quên nhấn mạnh “Nếu có bất cứ tác dụng không mong muốn nào xảy ra, hãy liên lạc ngay với đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm”. Nghĩa là khi người dùng có vấn đề, nhà thuốc hoàn toàn vô can. Tuy nhiên, với việc bán thuốc chẳng cần nhìn đơn, ai dám khẳng định người mua thuốc đều là am tường như dược sĩ.
Trước thực tế trên, sáng 5/3, chúng tôi đã liên hệ cục Quản lý dược (bộ Y tế) để tìm hiểu kỹ hơn về việc quản lý kinh doanh thuốc online. Chúng tôi được hướng dẫn tới Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cục. Sau khi lấy số và chờ xếp hàng đến lượt, cuối cùng chúng tôi cũng gửi được giấy giới thiệu và hẹn 2,3 ngày nữa gọi lại để biết bộ phận nào sẽ trả lời.
Trộm nghĩ, nên chăng cơ quan quản lý hãy tập trung vào việc quản lý kinh doanh, buôn bán thuốc thay vì thêm một quy định “trên trời”.
Trong động thái phản hồi trước các ý kiến xung quanh việc bắt buộc ghi số CMT/thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ trong đơn thuốc, ông Cao Hưng Thái Phó Cục trưởng cục Quản lý khám, chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết, việc ghi thêm CMT với đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đi khám nên việc ghi số CMT không có gì là quá khó khăn.
Theo ông Cao Hưng Thái, ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMT để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMT nhân dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Đỗ Thơm - Nguyễn Huệ