Người trong giới giật mình
Đem thông tin việc nhà thơ Hữu Thỉnh bị giả mạo facebook liên lạc với hội Nhà văn Việt Nam, phó chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều tỏ ra hết sức ngạc nhiên. "Tôi cũng lấy làm lạ, vì bình thường anh Hữu Thỉnh rất bận rộn, không có nhiều thời gian để dùng facebook", ông Thiều nhận xét. Theo thông tin nhà văn Nguyễn Quang Thiều cung cấp, cách đây ít ngày Hội cũng đã phải phát đi thông cáo khẳng định, đây là hành động của một cá nhân giấu tên, đã lợi dụng tên tuổi của nhà thơ Hữu Thỉnh để lập trang facebook và đưa một số hình ảnh thời trẻ của nhà thơ lên trang này. "Khi nghe mọi người nói, tôi cũng đã hình dung ra một vụ giả danh. Cũng may, sự việc đã được phát hiện sớm nếu không chẳng ai biết hậu quả xảy ra sẽ như thế nào", ông Thiều giải thích.
Ảnh chụp màn hình facebook mạo danh nhà thơ Hữu Thỉnh.
Nhân chuyện nhà thơ Hữu Thỉnh trở thành nạn nhân của trò đùa giả mạo facebook, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bất giác nghĩ đến hiện tượng giả facebook người nổi tiếng đang diễn ra liên tục trong thời gian qua. Ông nói vui: "Tôi chẳng quen dùng facebook, mà cũng chưa bao giờ có facebook, vậy mà bạn bè gọi bảo "ông Thiều có facebook". Quả thực, bạn nói tôi mới để ý, chắc hôm nào phải kiểm tra lại. Cứ chủ quan thế này không biết đường nào mà lần".
Tác giả "Sự mất ngủ của lửa" cho rằng, đây là hiện tượng đáng báo động. Đối tượng giả mạo có thể nhằm mục đích lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng để tranh thủ đạt được một lợi ích nào đó, hoặc đưa những thông tin không chính xác lên facebook nhằm bôi nhọ danh dự người khác. Hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ những thông tin sai lệch, hoặc được trộn lẫn khá tinh vi để đánh lừa người đọc. Đã có rất nhiều minh chứng về việc dùng facebook người này tranh luận, phản hồi facebook người khác gây mất đoàn kết... "Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ có đủ lý do để xem xét xử lý trước pháp luật. Tôi cũng không hiểu, dù sự việc đã phát triển đến mức tệ hại nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một ý kiến nào. Thiết nghĩ, cần tìm ra những thủ phạm giả mạo để xử lý đến nơi đến chốn", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Quả thực, thông tin tác giả "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" bỗng dưng "chơi" facebook đã khiến rất nhiều người trong nghề bất ngờ. Một cây bút trẻ đã phải thốt lên: "Ban đầu em cũng giật mình, nghi nghi, sau vào danh sách bạn bè thấy toàn là nhà văn, nhà thơ nên không nghi nữa". Thậm chí, nhiều cái tên quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ đã "nhỡ" kết bạn với facebook giả mạo nhà thơ Hữu Thỉnh. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi nhất cử, nhất động của người nổi tiếng luôn nằm trong diện theo dõi đặc biệt của dư luận.
Trò chuyện với PV báo điện tử Người đưa tin, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - một người nổi tiếng là "nghiền" mạng xã hội thừa nhận: "Thời gian gần đây rất nhiều người nổi tiếng bị làm giả facebook. Ngay như trường hợp nhà thơ Hữu Thỉnh, hội Nhà văn đã phản ứng rất kịp thời. Họ ra thông báo và tiến hành làm việc với nhà mạng để xác minh thông tin. Theo tôi, hành động này đã có tác dụng nhất định, cảnh báo "người giả, người thật" trong việc giao lưu, kết nối và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội".
Tác giả "Khúc hát sông quê" cũng lấy làm lạ vì chỉ cần vào facebook gõ tìm kiếm "Nguyễn Trọng Tạo" đã thấy hàng chục kết quả. "Trường hợp trùng tên thì không sao, nhưng có facebook không phải do tôi lập ra. Chính tôi cũng không biết là ai lập. Chẳng hiểu họ lập với mục đích gì? Còn việc giả mạo thì phải có một mục đích nào đó. Và, mọi hành vi giả mạo đều xúc phạm đến người đó", nhạc sĩ này khẳng định.
Mục đích của người mạo danh là gì chưa ai rõ, nhưng sau khi thông báo của hội Nhà văn được phát đi, thì facebook Hữu Thỉnh đã đổi tên sang người khác, không còn ảnh và những thông tin về nhà thơ Hữu Thỉnh thời trẻ nữa.
Nhà thơ Hữu Thỉnh.
Kẻ giấu mặt có “mưu đồ” gì?
Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, luật sư Lê Quang Vinh, công ty luật hợp danh Bross và Cộng sự lý giải, facebook được biết đến như một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới. Vài năm trở lại đây, facebook nhanh chóng được cộng đồng mạng Việt Nam hưởng ứng với tần suất hoạt động liên tục và trở thành một "thế giới ảo" lý tưởng cho các nhà kinh doanh tìm kiếm cơ hội làm ăn. Tuy nhiên, theo luật sư Vinh, ở Việt Nam, việc giả mạo facebook người nổi tiếng đang trở nên rất phổ biến, mục đích chính là lợi dụng danh tiếng của họ để trục lợi cho bản thân.
Chuyên gia luật này lấy ví dụ, bằng việc thiết lập và giả mạo một trang facebook của người nổi tiếng để câu "like". Khi đã có một lượng fan lớn, chủ
facebook giả mạo có thể nghiễm nhiên kiếm được các hợp đồng quảng cáo và bắt đầu thu lợi nhuận. Theo cách tính của
facebook hiện nay, khoảng 20% số fan (người đã click vào "like" trên fanpage) có thể nhìn thấy các bài đăng trên fanpage. Như vậy, giả sử một fanpage có 10.000 người "like", thì một mẩu tin quảng cáo được đăng trên trang fanpage đó sẽ có ít nhất 2.000 người tiếp nhận.
Lý giải cho nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giả mạo này, LS Vinh cho rằng, việc giả mạo trên mạng xã hội hiện nay vô cùng dễ dàng. Bởi việc đăng ký tài khoản để lập fanpage không đòi hỏi bất cứ một sự chứng minh, xác thực thông tin hay đóng một khoản phí nào. Người lập
fanpage giả mạo chỉ cần dùng các thông tin cá nhân của người nổi tiếng (như tên, ngày tháng năm sinh, ảnh...) mà những thông tin này hầu hết mọi người đều biết. Đối tượng còn đăng tải và cập nhập thường xuyên những thông tin về người nổi tiếng khiến các fan dễ dàng tin tưởng rằng đó là fanpage thật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Vinh nhấn mạnh, dù thiện chí hay nhằm mục đích trục lợi thì hành vi giả mạo facebook của bất kỳ công dân nào (bao gồm cả người nổi tiếng) cũng bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định tại luật Công nghệ thông tin 2006, một trong những hành vi bị cấm trong công nghệ thông tin là "xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân", "giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác".
Tuy chưa từng tham gia xử lý những vụ việc liên quan nhưng luật sư Lê Quang Vinh cũng từng biết một số nghệ sĩ nổi tiếng bị giả mạo facebook như diễn viên Hoài Linh, ca sĩ Minh Hằng hay Hoa hậu Mai Phương Thúy... Ông Vinh đưa ra cảnh báo, đối với những trường hợp giả mạo có dụng ý xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín của người bị giả mạo, thì người bị giả mạo nên ngay lập tức thực hiện biện pháp cảnh báo các hậu quả pháp lý đối với chủ sở hữu trang facebook đó. Nếu chủ sở hữu facebook vẫn không chấm dứt hành vi vi phạm, thì người bị giả mạo có thể gửi đơn yêu cầu xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc khởi kiện ra tòa. Thậm chí có thể nộp đơn đề nghị cơ quan công an điều tra khởi tố vụ án hình sự.
Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Đồng quan điểm, luật gia Bùi Minh Phương nhận định, hành vi này có thể bị áp dụng chế tài hành chính, dân sự, thậm chí hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm cũng như đơn yêu cầu của người bị giả mạo. Trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự thì có thể phải chịu các chế tài hình sự. Ví dụ: Tội Làm nhục người khác (Điều 121 BLHS), tội Vu khống (Điều 122 BLHS), hoặc tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (Điều 226 BLHS). "Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý rằng, cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án liên quan tới tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống khi và chỉ khi có đơn tố cáo hoặc yêu cầu khởi tố của người bị hại", luật gia Phương nói thêm. Đã có tiền lệ xấu Cách đây không lâu, một thành viên của nhóm nhạc The Men cũng bị giả mạo facebook để lừa tiền của khán giả. Cụ thể là có một tài khoản trên facebook đã xây dựng y chang trang cá nhân của ca sĩ này và sao chép rất cặn kẽ những thông tin trên trang cá nhân của anh. Sau đó, khi đã tạo được sự tin tưởng, kẻ gian này nhắn tin trên facebook mượn tiền khán giả của The Men trong và ngoài nước bằng cách gửi vào tài khoản vì nhóm đi diễn xa mà lại quên mang theo tiền. Một số người nhẹ dạ đã nhanh chóng bị lừa, gửi tiền vào tài khoản kẻ giả danh. Trong khi đó, những người tỉnh táo hơn đã lập tức liên lạc với nhóm The Men. Lúc này, hai chàng trai của nhóm mới tá hỏa, lập tức đính chính trên báo chí. |
Thanh Xuân