Kẻ giết người hàng loạt và những “miếng mồi” từ mạng xã hội

Kẻ giết người hàng loạt và những “miếng mồi” từ mạng xã hội

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Chủ nhật, 07/01/2018 10:57

Khám xét trong căn hộ của Takahiro Shiraishi, cảnh sát phát hiện những phần thi thể nạn nhân đều thuộc về những người mà hắn quen trên mạng xã hội.

Tiêu điểm - Kẻ giết người hàng loạt và những “miếng mồi” từ mạng xã hội

Bên ngoài căn hộ của Shiraishi.

Bộ mặt thật của kẻ sát nhân

Ngày 31/10/2017, cảnh sát Nhật Bản gõ cửa căn hộ của Takahiro Shiraishi để hỏi về tung tích của Aiko Tamura, cô gái đã biến mất một vài ngày trước đó ở vùng ngoại ô Tokyo. Và từ đó những sự thật hãi hùng dần lộ sáng.

Thứ cảnh sát tìm thấy trong ngôi nhà của Shiraishi là những dụng cụ của một kẻ giết người hàng loạt: Một cái cưa, sợi dây thừng và các bộ phận cơ thể bị cắt lìa của 9 người - trong đó có nhiều đầu người được cất riêng trong ngăn lạnh.

Vụ việc đã gây chấn động Thủ đô Tokyo vào thời điểm đó. Sau hai tháng, người dân nước này vẫn chưa khỏi hoang mang khi những kẻ sát nhân hàng loạt có thể là bất kỳ ai, thậm chí là hàng xóm của họ.

Được biết, Shiraishi, 27 tuổi là một kẻ thất nghiệp. Hắn tìm cớ dụ dỗ những người phụ nữ đến căn hộ của mình, hầu hết là những người kết bạn trên mạng xã hội Twitter và có với nhau thỏa ước tự sát tập thể.

Nạn nhân của hắn trong độ tuổi 15-25 và từng bày tỏ ý muốn tự tử trên mạng xã hội. Trong khoảng ba tháng, bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, Shiraishi đã không bỏ sót thông điệp nào từ những cô gái có ý muốn kết liễu cuộc đời.

Shiraishi đã rất quỷ quyệt khi khai thác thực tế các nền tảng mạng xã hội ở Nhật Bản - đặc biệt là Twitter – vốn là không gian để nói về việc tự tử một cách khá thoải mái - một chủ đề vốn được coi là điều cấm kỵ ngoài đời thực.

Tatsuhito Hokujo - Giám đốc Befrienders Worldwide Osaka, một mạng lưới ngăn ngừa tự tử - cho biết người gọi đến đường dây nóng thường tâm sự về tình trạng cô đơn. "Họ cảm thấy như bản thân chẳng có ai để trò chuyện”, Hokujo nói.

Trong tình huống như vậy, những người này thường đăng tải dòng thông điệp "Tôi muốn chết" lên mạng xã hội và tìm kiếm một người có thể đồng cảm và đáp ứng với ý định của họ.

 Đó cũng là cách mà tên sát nhân Shiraishi tìm kiếm con mồi của mình. Hắn theo dõi những người có ý định tự tử, khuyến khích và dụ dỗ các nạn nhân của mình trước khi giết chết họ, thậm chí là tấn công tình dục.

Vickie Skorji, Giám đốc mạng lưới ngăn ngừa tự tử Lifeline, cho biết các phương tiện truyền thông xã hội đang quá mở cũng khiến cho tình trạng lạm dụng gia tăng. "Chính thứ đang kết nối họ với mọi người lại là thứ đang đặt họ vào thế nguy hiểm", bà nói.

“Thỏa ước tự sát tập thể trên mạng”

Tiêu điểm - Kẻ giết người hàng loạt và những “miếng mồi” từ mạng xã hội (Hình 2).

Ảnh minh họa. Nguồn: Man Repeller.

Đối với Eri, một nhân viên làm việc bán thời gian 21 tuổi ở Tokyo, Twitter giống như cuốn nhật ký cá nhân. Cô có nhiều tài khoản, nhưng chỉ sử dụng một trang kín để bộc lộ cảm xúc thật của mình. Trên đó, cô viết những thông điệp như "Tôi muốn chết" hay "Tôi đang rất đau buồn”.

"Trang nhật ký trên Twitter chỉ mình tôi đọc được, vì vậy tôi không phải lo lắng người khác sẽ phán xét mình khi viết toàn điều tiêu cực", Eri nói. Cô cho biết, bản thân luôn tránh công khai tài khoản của mình vì nó có thể khiến những kẻ lạ theo dõi mà cô không biết.

Sau vụ bắt giữ tên giết người hàng loạt Shiraishi, mạng xã hội Twitter đã cập nhật những điều khoản mới, trong đó ngăn lại các hoạt động khuyến khích tự tử hoặc tự làm hại bản thân trên nền tảng này.

Tuy nhiên, Jack Dorsey, người đồng sáng lập kiêm CEO của Twitter cho hay, sẽ khó có thể loại bỏ những bài đăng tự tử một cách tuyệt đối. Thay vào đó, họ sẽ tập trung thúc đẩy hoạt động của các mạng lưới chống tự sát.

Mặc dù tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đã xuống ngưỡng thấp nhất trong 22 năm qua vào năm 2016, nhưng con số này vẫn đứng đầu các nước giàu có của nhóm G7. Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, gần 22.000 người đã lựa chọn kết liễu cuộc đời vào năm ngoái.

Tự tử cũng là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trong độ tuổi 10-19, tập trung vào giai đoạn khai giảng năm học tháng 4 và nổi lên vào tháng 9, sau kỳ nghỉ hè.

Nhật Bản từng chứng kiến những vụ việc bàng hoàng đến từ các thỏa ước tự sát tập thể trên mạng. Có không ít những báo cáo về các vụ tự sát kiểu này được ghi nhận trong nhiều năm qua. Những người có ý định tự tử - thường trong độ tuổi còn trẻ - tìm đến nhau trên Internet rồi gặp mặt nhau và thực hiện ý định ở những nơi vắng người. Cách tự tử thường thấy là ngồi trong xe hơi đóng kín và nhóm bếp than để cùng nhau chết ngạt.

"Những người trẻ trầm cảm và Internet - đó là một công thức rất nguy hiểm", Mafumi Usui, một Giáo sư tâm lý học tại Đại học Niigata Seiryo nói. "Nhiều người trẻ muốn tự giết mình, nhưng không đủ dũng cảm thực hiện. Tuy nhiênkhi một nhóm người lạ gặp nhau trên mạng và ai đó gợi ý một cách cụ thể để chết... đó là động cơ nguy hiểm đằng sau những vụ tự tử tập thể", Giáo sư Usui lý giải.

Điều đáng nói, bàn luận về sức khỏe tâm thần vẫn được coi là một sự kỳ thị ở Nhật Bản.

"Nó khiến cho những người đang phải vật lộn với những vấn đề này bị cô lập và họ không có cơ hội để bày tỏ trong một môi trường lành mạnh", Skorji nói.

"Các bạn trẻ am hiểu những giá trị của sự tiến bộ vật chất. Nhưng chúng ta phải dạy cho biết ý nghĩa của cuộc sống quan trọng đến mức nào”, Giáo sư Usui nêu quan điểm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.