Lên tiếng về vấn đề trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chưa quy định mức trần lãi suất cho vay khiến nhiều doanh nghiệp và người dân còn chịu thiệt thòi khi vay vốn.
Khốn khổ vì lãi suất quá cao
Mới đây, tổng kết 6 tháng đầu năm của ngân hàng Nhà nước (chi nhánh Đà Nẵng) thể hiện, đến thời điểm này mức lãi suất cho vay cũ bằng VND trên địa bàn Đà Nẵng là 13% đang ở mức cao, chiếm gần 50% dư nợ cho vay (khoảng 22.000 tỷ đồng), trong khi bình quân cả nước mức lãi suất cũ dưới 13%. Nhiều ngân hàng như Sài Gòn - Hà Nội (SHB), chi nhánh Đà Nẵng có mức lãi suất cho vay bình quân 17,64%/năm; ngân hàng Sài Gòn 17,50%; ngân hàng Kiên Long chi nhánh Đà Nẵng 17,18%; ngân hàng Sài Gòn Công thương 16,01%; ngân hàng Phương Nam 15,16%; ngân hàng Việt Á 15,26%...
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó với các khoản vay cũ.
Bên cạnh đó, một số người dân ở TP.HCM cho biết, một số ngân hàng thương mại đột nhiên tăng lãi suất cho vay vàng cao, thậm chí tăng gấp đôi. Điều lạ là, trong tất cả hợp đồng đã ký kết với ngân hàng của họ, không có điều khoản nào quy định ngân hàng được quyền đơn phương tăng lãi suất vay vàng lên 100%.
Phân tích về bản chất của hiện tượng trên, chuyên gia kinh tế- tài chính Bùi Kiến Thành cho hay, từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn đề cao việc kêu gọi các ngân hàng ngoài kéo lãi suất xuống thấp. Trong khi đó, những ngân hàng nào không thông cảm, thấu hiểu cho nền kinh tế và tìm cách tăng lãi suất có nghĩa là những ngân hàng này không đi theo chính sách chung mà Nhà nước đang thực hiện. Việc làm này đi trái ngược với lợi ích chung của doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nếu có hiện tượng các ngân hàng ngoài quốc doanh tăng lãi suất đột ngột thì ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp vào cuộc ngay để thuyết phục các ngân hàng đó làm sao hạ lãi suất phù hợp với những chính sách chung.
Phân tích những kẽ hở khiến các ngân hàng có thể tận dụng để đưa ra mức lãi suất cao, vị chuyên gia này nêu rõ: "Tôi được biết, hiện nay, ngân hàng Nhà nước không có bất cứ một quy định nào về mức lãi suất trần cho vay. Lâu nay, phía ngân hàng Nhà nước mới chỉ có quy định về trần lãi suất huy động. Do đó, các ngân hàng ngoài quốc doanh vẫn được quyền tự quy định mức lãi suất cho vay của riêng ngân hàng mình. Việc các ngân hàng không "để ý" đến chủ trương hạ lãi suất của ngân hàng Nhà nước, đột ngột tăng lãi suất cho vay, rõ ràng, là hiện tượng phá rào, phục vụ lợi ích riêng của mình. Họ không quan tâm đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Ngân hàng Nhà nước đã không có quy định mức lãi suất trần cho vay nên giờ mới xảy ra tình trạng này.
Theo chuyên gia Thành, khi các ngân hàng cho vay với lãi suất cao hoặc đột ngột tăng lãi suất quá cao sẽ khiến không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lãi suất trần. Do đó, mỗi ngân hàng có quyền tự định lãi suất cho doanh nghiệp khi vay, mức lãi suất này tùy vào mức độ rủi ro mà các ngân hàng xem xét qua hồ sơ của các doanh nghiệp gửi đến thẩm định trước khi cho vay.
Vị chuyên gia này phân tích thêm rằng, trường hợp doanh nghiệp đưa ra các dự án đi vay không thuyết phục mức độ rủi ro thấp, doanh nghiệp đó phải chịu mức lãi cao. Nếu doanh nghiệp không thể chứng minh và thuyết phục với các ngân hàng mức rủi ro thấp, lúc đó ngân hàng sẽ có quyền áp dụng mọi mức lãi suất sao cho phù hợp với giám sát, đánh giá rủi ro của họ. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn vay vốn ở ngân hàng nào có mức lãi suất mà mình cho là hợp lý. Ở nhiều nước hiện nay, người ta có quy định, một mức lãi nặng nhất định. Ví dụ như một số tiểu bang ở Mỹ, hay Pháp, nếu ngân hàng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Riêng ở Việt Nam, do không có mức lãi trần cụ thể theo quy định từ phía ngân hàng Nhà nước nên rất khó để kiểm soát cũng như kêu gọi các ngân hàng ngoài hạ lãi suất.
Nhìn nhận từ một góc độ khác, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (bộ Tài chính) lại cho rằng: Việc các ngân hàng tăng lãi suất hay kể cả là việc giảm lãi suất phụ thuộc hoàn toàn vào hợp đồng tín dụng giữa hai bên đã ký. Hợp đồng đó sẽ quy định cụ thể, đặc biệt với những khoản vay dài hạn. Thông thường, việc tăng lãi suất liên quan đến thỏa thuận ngay từ đầu của cả hai bên là người đi vay và người cho vay. Sẽ không có chuyện "tự dưng" các ngân hàng tăng lãi suất. Đây là những khoản vay rất dài nên ngân hàng sẽ phải lường trước đến những biến động vĩ mô của thị trường.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Nên quy định mức lãi suất trần cho vay?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó TGĐ ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết: “Các khoản vay phải chịu lãi cao là các khoản vay trước đây. Khi đó các ngân hàng huy động vốn cao nên họ buộc phải cho vay cao và đến nay hợp đồng chưa đáo hạn thì họ chưa điều chỉnh được lãi suất. Nếu giờ đây ngân hàng Nhà nước buộc hạ lãi suất thì họ cũng phải hạ thôi nhưng tất nhiên họ vẫn có cái khó của họ”.
Đối với việc các hợp đồng vay vàng bị tăng gấp đôi lãi suất, ông Toại cho hay, sau ngày 30/6/2013, các tổ chức tín dụng phải hoàn thành trạng thái tất toán vàng. Hiện tại, ngân hàng Nhà nước không cho huy động vàng cho vay nữa nên các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất lên và quy ra tiền. Ngân hàng đang phải mua vàng giá cao để trả cho dân và những người vay vàng của ngân hàng nếu không có vàng trả thì họ buộc phải quy ra tiền và nâng lãi suất lên. Đó cũng là giải pháp tình thế và do rủi ro khi chính sách thay đổi.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp và người dân khi gặp phải trường hợp vay lãi "cắt cổ", ông Bùi Kiến Thành nêu rõ: Đối với trường hợp tăng lãi suất nợ cũ, cần xem lại kỹ hợp đồng giữa hai bên từ ngày đầu đã ký cam kết với nhau. Trong giai đoạn vay vốn của hợp đồng, giữa doanh nghiệp và ngân hàng đã có những điều khoản gì về lãi suất. Chuyện hạ hay tăng lãi suất trong quá trình vay sẽ được quy định cụ thể trong từng hợp đồng. Khi hợp đồng đã và vẫn đang trong quá trình thực hiện mà lãi suất tăng, doanh nghiệp có thể xem xét lại các điều khoản đã ký giữa hai bên để xem ngân hàng tăng lãi suất như vậy có vi phạm hợp đồng hay không. Nếu hợp đồng không nói đến vấn đề tăng hay giảm thì giữa doanh nghiệp và ngân hàng nên có sự trao đổi để cùng tìm ra cách giải quyết. Nếu các doanh nghiệp cho rằng mình bị tăng lãi suất đột ngột ở mức quá cao thì có thể tìm đến các luật sư nhờ tư vấn, xem xét lại hợp đồng xem quyền và lợi ích của mình có bị "bóp méo" thật hay không để có cách giải quyết cụ thể.
Ông Thành nhấn mạnh: Riêng phía các ngân hàng, sẽ không có chuyện ký phá hủy các điều khoản mà hợp đồng quy định được. Nếu xuất hiện triệu chứng ngân hàng bắt chẹt doanh nghiệp ở bất cứ đâu thì ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc xem xét. Các ngân hàng khẳng định, đó là việc riêng của họ thì ngân hàng Nhà nước cũng không thể giải quyết được vì không có quy định mức lãi trần để xử lý vi phạm.
Còn TS Vũ Đình Ánh lại khẳng định: "Những trường hợp này phải có thanh tra, kiểm tra cụ thể và xử lý theo nội dung quy định tại hợp đồng. Tôi cho rằng, không có bất cứ chữ "nếu" nào và rất đơn giản, chúng ta phải xử lý dựa trên hợp đồng kinh tế thuần túy giữa hai bên để giải quyết".
"Tại sao không dùng luật để khống chế lãi suất trần?" Chuyên gia Bùi Kiến Thành (ảnh bên) cho biết: "Trước đây, trong luật Dân sự có quy định: "Các ngân hàng không được cho vay trên mức 150% lãi suất cơ bản của Nhà nước". Điều luật này vẫn nằm ở trong luật Dân sự. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện nay không làm theo. Bản thân phía ngân hàng Nhà nước cũng không áp dụng điều khoản này để khống chế lãi trần. Bản thân tôi vẫn thắc mắc, tại sao Nhà nước không áp dụng điều khoản này trong thực tế?!". |
P.Hạnh - D.Thu