Vụ trộm khiến giới săn kim cương điên đảo
Chỉ là một thị trấn nhỏ của Bỉ, nhưng từ lâu, Antwerp đã nổi danh là "kinh đô kim cương" của cả thế giới. Chính vì thế, đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới có hẳn một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm chuyên bảo vệ hoạt động mua bán kim cương. Cùng với lực lượng bảo vệ tư nhân của các doanh nghiệp kinh doanh kim cương, họ tuần tra Antwerp 24/24h, kiểm soát từng ngõ ngách, góc phố.
Nhưng số hàng hóa đặc biệt này tập trung tại đây quá lớn nên đã trở thành mục tiêu cho không ít những tay siêu trộm nhòm ngó. Và, bất chấp sự bảo vệ nghiêm ngặt ấy, những tên trộm siêu đẳng cấp đã khoắng sạch mọi thứ quý giá nhất, tạo nên vụ trộm lớn nhất trong lịch sử.
Siêu trộm triệu đô Notarbartolo sống phong lưu nhờ "tài năng thiên bẩm".
Rạng sáng ngày 17/2/2003, đại úy Patrick Peys - chỉ huy đơn vị cảnh sát đặc nhiệm chuyên bảo vệ các trung tâm kim cương của Antwerp bị đánh thức bởi một thông tin choáng váng: Kho chứa của trung tâm Kim cương Antwerp đã bị trộm! Không thể tin được điều này lại xảy ra với nơi vốn mệnh danh là "bất khả xâm phạm".
Ông tức tốc lao đến hiện trường. Đến nơi, cảnh tượng hiện ra như trong một bộ phim Hollywood: Nơi cất giấu kim cương, tiền, vàng lớn nhất Antwerp ngổn ngang, lộn xộn như một cái nhà kho lâu ngày không dọn dẹp. Cánh cửa sắt dày tới nửa mét đã mở hé và bên trong, 109 trong tổng số 189 két an toàn đã bị phá khóa, bên trong rỗng không.
Theo thống kê ban đầu của lãnh đạo trung tâm, toàn bộ số tiền mặt, vàng thỏi và kim cương bị đánh cắp có giá trị khoảng 100 triệu USD, trong đó riêng những viên kim cương đã trị giá tới 80 triệu USD. Một lệnh báo động toàn quốc đã được ban bố khẩn cấp. Cảnh sát Bỉ được lệnh lục soát, khám xét bất cứ người, địa điểm và phương tiện tình nghi nào để tìm cho ra số tài sản khổng lồ này.
Tin tức về vụ trộm lọt ra ngoài đã làm chấn động không chỉ giới kinh doanh kim cương mà còn khiến dư luận Bỉ và châu Âu rúng động. Không thể tưởng tượng được một trong những nơi được canh phòng nghiêm ngặt nhất trên thế giới đó lại bị "dọn dẹp" chỉ trong một đêm.
Thị trường kim cương tại Antwerp đã phải ngừng mọi giao dịch trong ba ngày liền để tăng cường hơn nữa biện pháp an ninh cho kho chứa hàng. Sau hai tuần điều tra, cuối cùng những tên siêu trộm cũng bị bắt. Thật hài hước là, dù tính toán vô cùng hoàn hảo khi lên kế hoạch cho vụ trộm và đã thành công, nhưng những tên trộm cao tay này lại bị lộ thân phận chỉ vì một lỗi rất sơ đẳng: Không xóa hết dấu vết và để lại chứng cứ phạm tội.
Lập kế hoạch như một điệp viên
Kẻ cầm đầu băng trộm chính là Leonardo Notarbartolo, một tên trộm trứ danh người Italia. Hắn được mệnh danh là kẻ "sinh ra để ăn trộm" với thành tích bất hảo, từng thực hiện hàng chục vụ trộm "khủng" trước đó. Từ năm 2000, những viên kim cương dưới tầng hầm của trung tâm Kim cương Antwerp đã nằm trong "tầm ngắm" của Notarbartolo. Hắn nung nấu quyết tâm chinh phục mục tiêu "bất khả xâm phạm" này.
Để nắm rõ được cách bố trí các vòng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt và bí mật tại đây, Notarbartolo vào vai một nhà buôn kim cương người Italia, đến thuê hẳn một văn phòng nhỏ ngay tại Trung tâm, đồng thời, thuê một két an toàn bên dưới tầng hầm. Lợi dụng những lần được xuống hầm mở két để lấy, cất kim cương, dù luôn có bảo vệ đi cùng để giám sát, nhưng bằng khả năng thiên bẩm của một tên đạo chích, mọi ngõ ngách, cánh cửa, thiết bị báo động... đều được tên này ghi nhớ và vẽ lại một cách chi tiết.
Sau ba năm "nằm vùng" như thế, tên này đã thuộc lòng sơ đồ kho chứa cũng như các thiết bị bảo vệ, giám sát từ xa, báo động cùng quy luật tuần tra của đội bảo vệ. Sau khi nghiên cứu, Notarbartolo quyết định rủ thêm đồng bọn cùng hành động. Speedy - bạn tù của Notarbartolo trước đây được siêu trộm nghĩ tới đầu tiên.
Sau khi bàn bạc, lên kế hoạch chi tiết, hai tên quyết định hành động vào đêm chủ nhật 16/2/2003. Đêm chủ nhật bao giờ cũng là thời điểm thuận lợi nhất để ra tay, bởi đội bảo vệ không đi tuần suốt đêm như những ngày trong tuần. Sau khi kiểm tra lần cuối vào lúc 20h, những người này chỉ trở lại kho chứa vào sáng sớm ngày thứ hai. Khoảng thời gian chừng 10 tiếng đồng hồ trong đêm tối ấy là thời gian quá lý tưởng cho một vụ trộm hoàn thành.
Một lý do nữa khiến Notarbartolo quyết tâm "làm tới" là vì trong buổi chiều thứ sáu tuần đó, rất nhiều kim cương đã được chuyển vào bên trong nhà kho này. Nếu không ra tay ngay, sang đến đầu tuần, rất có thể những miếng "mồi ngon" ấy lại bị bán đi khắp thế giới.
Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch đã định. Notarbartolo và Speedy nhanh chóng vô hiệu hóa các thiết bị theo dõi, cắt chuông báo động và phá khóa cánh cửa sắt dày nặng ba tấn của kho chứa kim cương. Đối với Notarbartolo, đây toàn là những "công việc chuyên môn" mà hắn rất thành thạo. Còn Speedy, tuy chỉ là đàn em, nhưng Speedy cũng chứng tỏ mình là một chuyên gia phá két chuyên nghiệp.
Notarbartolo nhanh chóng vơ vét tất cả cho vào các túi vải lớn mang sẵn theo. Biết trước là kim cương được đựng trong những chiếc túi da, nên hai tên này cũng chẳng buồn mở ra kiểm tra. Số hiện vật quá lớn mà chúng thì muốn lấy càng nhiều càng tốt.
Đến 5h30 sáng, khi cốp xe và hàng ghế sau đã bị lèn chật cứng các túi vải chứa đầy tiền vàng và kim cương, hai tên phóng thẳng về Italia. Chỉ sau đó vài phút, bảo vệ của trung tâm đã phát hiện ra quang cảnh kinh hoàng dưới tầng hầm. Nhưng những tên trộm đã kịp cao chạy xa bay.
Bên trong nơi "không thể xâm nhập" sau vụ trộm đình đám.
"Miếng bánh ăn dở" tố cáo kẻ tội đồ
Vụ đột nhập nhanh chóng trở thành vụ trộm lớn nhất thế kỷ và người ta cho rằng, thủ phạm không bao giờ bị bắt bởi những tên trộm quá "siêu cao thủ". Thế nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì mà cả hai tên siêu trộm lại hành xử như những tên trộm nghiệp dư, khiến thân phận bị bại lộ và sớm tra tay vào còng.
Trên đường chạy về Italia, Notarbartolo lái xe, rẽ vào một một trang trại bỏ hoang. Hắn quyết định phi tang các tang vật tại nơi kín đáo này, trước khi đối mặt với trạm kiểm soát tại biên giới Bỉ - Italia. Tuy nhiên, chúng không ngờ rằng, khi đốt cả một đống to túi, nhãn mác đựng kim cương, khiến khói đen bốc lên mù mịt. Từ phía xa xa, trên đường cao tốc, một vài chiếc xe dừng lại vì họ nghĩ rằng đang có một đám cháy.
Notarbartolo và Speedy đều biết rằng, chắc chắn một trong số họ đã gọi cứu hỏa và cảnh sát cũng sẽ cùng theo tới chỉ trong vài phút nữa. Hốt hoảng, cả hai tên vội vàng lên xe bỏ chạy. Giấy tờ, túi đựng vương vãi khắp nơi. Trong lúc vội vã, chúng còn đánh rơi cả một túi đựng kim cương và vài cọc tiền. Notarbartolo ném vội chiếc bánh sandwich đang ăn dở xuống đất. Hắn không ngờ rằng, đó chính là bằng chứng giúp cảnh sát lần ra dấu vết của mình.
Đúng như dự đoán, cảnh sát nhanh chóng có mặt cùng đội cứu hỏa khi nhận được thông báo về vụ cháy. Những gì thu được tại hiện trường khiến họ nghĩ ngay đến vụ trộm tại Antwerp. Những tên trộm không hề để lại dấu vân tay nào, nhưng Notarbartolo lại "nộp" cho cảnh sát một chứng cứ "quý hơn vàng": Mẫu nước bọt của y trong miếng bánh ăn dở. Dựa vào cơ sở dữ liệu của mình, không khó để cảnh sát tìm ra chủ nhân của mẫu ADN trong miếng bánh. Hai tuần sau đó, Notarbartolo và đồng bọn bị tóm gọn khi đang lẩn trốn tại một vùng hẻo lánh ở Italia.
Bí ẩn số phận của những viên kim cương trị giá 80 triệu USD
Có một điều bất ngờ là, khi bị dẫn độ về Bỉ, Notarbartolo một mực khăng khăng rằng, đúng là mình đã đánh cắp các túi đựng kim cương thật, nhưng khi về đến Italia, mở ra kiểm tra thì tất cả các túi đó đều rỗng tuếch. Có lẽ, túi duy nhất có kim cương thì hắn đã đánh rơi ở trang trại hoang kia rồi. Số tiền, vàng còn lại "chỉ" đáng giá 20 triệu USD mà thôi. Cảnh sát Bỉ, Italia đã mở rất nhiều cuộc tìm kiếm theo hành trình chạy trốn của hai tên siêu trộm này để tìm kiếm số kim cương ấy, nhưng đều vô vọng. Cuối cùng, siêu trộm Notarbartolo chỉ phải nhận bản án 10 năm tù giam cho số tiền vàng trị giá 20 triệu USD kia. Còn số phận của những viên kim cương trị giá 80 triệu USD đến giờ vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
An Mai (Theo Wired)