So với quy định trước đây, Nghị định 78/2013/NĐ-CP đã lược bớt một số đối tượng phải kê khai (giảng viên chính, bác sĩ chính, dược sĩ chính, thủ kho…). Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nghị định mới đã bổ sung và làm rõ hơn các nguyên tắc xác định giá trị tài sản, thu nhập. Các nguyên tắc này sẽ giúp người có nghĩa vụ xác định tài sản và biến động tài sản kê khai một cách rõ ràng hơn, hạn chế sự tùy nghi so với thực hiện các quy định trước đây.
Niêm yết hoặc họp để thông báo tài sản của cán bộ
Biến động tài sản, thu nhập bắt buộc phải kê khai theo nghị định mới là các loại tài sản với mức giá trị tăng thêm mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên so với lần kê khai trước đó: nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, tiền cho vay, tiền gửi, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng, kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp, ô tô, mô tô, xe máy, tàu thủy, tàu bay, thuyền…
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách là một trong những nhóm đối tượng phải kê khai, minh bạch tài sản theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP. Trong ảnh: Ông Danh Út, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang (đứng), phát biểu tại một phiên họp Quốc hội. Ảnh: THẾ DŨNG
Ông Trần Đức Lượng cho biết điểm đáng chú ý trong nghị định mới là căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cá nhân đã được mở rộng hơn. Điển hình là việc cho phép người có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản nếu có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa hợp lý. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm soát cũng có thể yêu cầu xác minh nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra xác định người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm liên quan đến hành vi tham nhũng chứ không phải chờ đến kết luận người đó có hành vi tham nhũng mới tiến hành xác minh.
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 78 vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, căn cứ để tiến hành xác minh là khi có tố cáo, phản ánh người có nghĩa vụ kê khai tài sản không trung thực trong kê khai. Tố cáo, phản ánh này chỉ được coi là căn cứ ra yêu cầu xác minh nếu căn cứ, nội dung rõ ràng, đồng thời nêu rõ họ tên, địa chỉ và cam kết hợp tác, cung cấp tài liệu cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để phục vụ việc kiểm tra, xác minh. Việc xác minh có thể được tiến hành khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm hay kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai.
Việc công khai bản kê khai tài sản tổ chức tại cuộc họp công khai phải bảo đảm đủ thời lượng và có đại diện các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị với số lượng người dự tối thiểu 70% số người thuộc phạm vi phải triệu tập... Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một trong hai hình thức: niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hằng năm. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan có thể xem các bản kê khai; thời gian niêm yết tối thiểu 30 ngày liên tục.
9 nhóm có nghĩa vụ kê khai
1 - Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND.
2 - Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3 - Sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội Nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an Nhân dân.
4 - Người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5 - Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên trong các trường ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề của nhà nước.
6 - Thành viên HĐQT, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước, người là đại diện phần vốn của nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước.
7 - Bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn.
8 - Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
9 - Người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định...
Phải có cơ chế xác minh, chế tài Khẳng định mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập rất tốt đẹp nhưng ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng hầu như không được thực hiện nghiêm ở hầu hết các cơ quan, đơn vị nên chưa giải tỏa được những băn khoăn, thiếu tin tưởng của dư luận. Việc công khai bản kê khai ở cơ quan mặc dù đã có quy định từ lâu nhưng rất ít đơn vị thực hiện. “Hiện nay đa số chỉ kê khai cho có, biết với nhau thôi chứ chưa thấy trường hợp nào phải giải trình, trừ trường hợp bị phát giác, tố cáo... Không có cơ chế xác minh thì cán bộ công chức sẽ có rất nhiều cách để “giải thích” một cách hợp lý khối tài sản của mình” - ông Nguyễn Sỹ Cương nói và cho rằng nếu việc kê khai không đi vào thực chất, người đứng đầu các cơ quan từ Chính phủ tới địa phương không gương mẫu làm nghiêm thì rất có thể sẽ rơi vào tình trạng làm cho có. Bà Bùi Thị An (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phân tích: “Đa phần cán bộ vẫn chi tiêu, giao dịch bằng tiền mặt nên việc kê khai chỉ trông chờ vào sự trung thực của họ là chính. Muốn cán bộ trung thực thì phải có cơ chế kiểm soát trung thực nhưng đến nay chưa có. Có chế tài rồi thì ai giám sát, giám sát đến mức nào..., tất cả đều phải rõ ràng...”. |