Kính gửi các thầy cô giáo!
Là một học sinh thường xuyên bị các thầy cô giáo kèm cặp, nhắc nhở, em luôn biết “học thì ấm vào thân”. Và có lẽ, em cũng không cần phải trình bày lại thứ tự luận điểm, luận cứ, dẫn chứng để chứng minh cho nhận định trên nữa bởi những điều đó chúng em đã trải lòng trong bài kiểm tra văn nghị luận tuần vừa rồi.
Trong bức thư này, em chỉ muốn vận dụng một số kiến thức thầy cô giáo đã truyền dạy cho em cùng những dẫn chứng thực tế mà em thu nhận được để phản biện lại lối mòn suy nghĩ mà người lớn đã “áp đặt” lên học sinh cũng như mong muốn các thầy cô giáo trả lời cho em câu hỏi mà em cứ mãi trăn trở trong đầu: Học giỏi để làm gì?
Sau khi đọc một loạt tin tức thời sự, em nhận ra rằng không phải cứ học giỏi thì cuộc đời sẽ xếp cho chúng ta một vị trí tốt và ngược lại, không phải cứ học dốt thì sẽ bị đời “sa thải”. Không ít người có khả năng tính nhẩm "thần sầu" lại chỉ là người bán hàng rong, gánh hàng phở ở chợ và có những người không thể tính nổi một phép tính đúng (dù có nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ) lại chủ trì công việc liên quan đến số má, kiểm kê ở nhiều vị trí quan trọng.
Chắc các thầy cô sẽ không tin và không muốn tin nhưng em xin được dẫn chứng. Đó là vụ việc mới xảy ra vào cuối tháng 1 vừa rồi khi Kiểm toán Nhà nước công bố những sai phạm lên đến hàng chục tỷ đồng trong các gói mua sắm trang thiết bị y tế tại Gia Lai từ năm 2013 – 2015.
Trong đó, gói mua trang thiết bị y tế tại bệnh viện Lao phổi có giá trị thực 12,1 tỷ đồng nhưng được kê lên 22,3 tỷ đồng; gói mua máy thở tại bệnh viện tỉnh có giá 6,6 tỷ đồng nhưng được kê 10,1 tỷ đồng; gói mua trang thiết bị y tế tại bệnh viện Tâm thần giá 5,6 tỷ đồng nhưng được kê lên 16,7 tỷ đồng, gói mua trang thiết bị y tế cho bệnh viện huyện Chư Pưh chỉ 9,6 tỷ đồng nhưng được kê lên 22,1 tỷ đồng...
Em không hiểu người ta đã áp dụng quy tắc toán học nào trong trường hợp này. Em cũng không biết người ta đã sai quy trình từ bước nào mà dẫn đến sự sai số nghiêm trọng như vậy. Có thể họ biết làm phép ảo thuật cố tình biến 1 thành 2 và nhiều hơn. Hoặc họ quá cao siêu, đã học được những công thức toán của thì tương lai, của người ngoài hành tinh... Điều đó em không thể lý giải được. Em chỉ biết rằng với cánh học sinh chúng em, người nào cứ làm phép tính sai thì người đó... học dốt toán.
Vậy là những người trong bệnh viện đó đã giúp em phản biện được lời cảnh cáo của cha mẹ mỗi khi em lười học. Hóa ra, không phải cứ học dốt thì phải "theo đít con trâu" mà học dốt cũng có thể làm kế toán. Thậm chí không phải kế toán thường, họ là những kế toán siêu việt!
Càng ngày em càng thấy cuộc sống này bao dung quá thầy cô ạ! Nhiều người đọc không thông, viết không thạo vẫn có thể làm "sếp". Để đến khi có bất cứ sai phạm nào liên quan đến giấy tờ, công văn thì những vị "sếp" đặt tay ký văn bản đấy chỉ việc dõng dạc đổ tại "thằng đánh máy”. Hay chuyện nhiều người giữ vị trí trọng trách ở tỉnh nọ, sở - ban - ngành kia vì trình độ khiêm tốn nên phải mượn bằng của bạn hoặc mua bằng giả cho đến khi bị phát hiện cũng chỉ… cảnh cáo, nhắc nhở. Rồi đâu lại vào đó, không có bằng cấp vẫn cứ thăng tiến.
Và em nghĩ rằng, với sự bao dung đó thì cái kết cho những cá nhân liên quan đến sai phạm trong các gói mua sắm trang thiết bị y tế tại Gia Lai cũng không hề khó đoán. Phải chăng lại là những lời cảnh cáo, những lời hứa rút kinh nghiệm?
Cuối cùng, sau hàng loạt “sự thực ở đời”, em tự hỏi, không biết mình phải cố gắng học tập thật giỏi để làm gì?
Hoàng Anh