Nạn nhân trong vụ việc đau lòng là chị Nguyễn Thị H. (SN 1984) bị một đối tượng người nước ngoài tạt xăng và châm lửa đốt tại tiệm may của chị này trên phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Sau khi gây án, đối tượng đã bỏ trốn. Chị H. được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, bị bỏng gần 70% cơ thể.
Được biết, chị H. có ngoại hình rất xinh đẹp nên được nhiều người đàn ông để ý, trong đó có ông G.G. (ngoại quốc, khoảng hơn 50 tuổi). Theo một số người dân xung quanh, có thể do ông G. không chiếm được tình cảm của chị H. nên chiều 15/1 đã gây ra chuyện đau lòng như vậy.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Cao Văn Tỉnh (Hà Nội) phân tích: Hành vi của đối tượng cho thấy đã có sự chuẩn bị từ trước. Việc tạt xăng vào người chị H. rồi châm lửa đốt là cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Mọi hành vi nhằm tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Tỉnh cho rằng, hành vi của đối tượng đã cấu thành tội Giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ở đây, hành động này có tính chất côn đồ. Việc chị H. không bị tử vong là nằm ngoài mục đích của đối tượng,đó là do được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời, thế nhưng đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt theo Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015.
“Quy định tại điều 15 của Bộ luật này nêu rõ: Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”, luật sư diễn giải điều luật.
Cũng theo luật sư Tỉnh phân tích thêm: “Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm. Như vậy, trong trường hợp này, đối tượng có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 20 năm tù”.
Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Giết người:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.