Nga bất ngờ tiếp cận các nước vùng Vịnh
Trong lúc vòng đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Idlib ở Syria vẫn tiếp diễn trong bế tắc, Moscow được cho là đang thiết lập lại luật chơi ở Syria bằng cách tìm kiếm sự hợp tác lâu dài với các thế lực vùng Vịnh – vốn được coi là đối thủ không đội trời chung của Ankara, theo Al-Monitor.
Vào ngày 26/2, trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov lên tiếng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa chiến binh nước ngoài đến tham chiến ở Libya, ông đã có cuộc gặp đáng chú ý với Đại sứ Saudi Arabia tại Nga Raid bin Khalid Krimli để vinh danh sự đóng góp của nhà ngoại giao này trong việc củng cố quan hệ hai nước.
Tước đó hồi đầu tháng, phái đoàn ngoại giao của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và thống đốc khu vực Damascus Alaa Ibrahim cũng đã có cuộc đàm phán quan trọng về các vấn đề song phương. Mối liên hệ ngoại giao giữa UAE và Syria đã trong tình trạng xung đột suốt một thời gian dài trước khi có chuyển biến tích cực như hiện nay.
Đáng chú ý khi cuộc gặp nói trên giữa hai phái đoàn đã diễn ra trước chuyến thăm ngày 12/2 của ông Serge Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga tới UAE.
Cùng với Saudi, UAE vốn được coi là đối thủ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Do đó, chuyến thăm của ông Naryshkin đến Dubai đã làm dấy lên sự suy đoán cho rằng Moscow đang tìm cách đối trọng với Ankara, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở thành trì Idlib.
Al-Monitor dẫn một số báo cáo cho hay, để giảm bớt ảnh hưởng của Ankara ở Syria, UAE được cho là đã đề xuất với Moscow một loạt các nỗ lực nhằm hồi sinh một phần nền kinh tế khó khăn của Syria, cũng như vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoài ra, Nga và UAE được cho là đang thảo luận về các giải pháp nới lỏng quy tắc khi sử dụng các cảng Latakia và Tartus, cũng như biên giới chiến lược quan trọng Nasib, nối Syria và Jordan.
Cuối cùng, UAE được đồn đại là sẽ cam kết gây áp lực cho phe đối lập trong ủy ban hiến pháp để tăng cường hợp tác hơn với Damascus, đối nghịch với Ankara.
Vì sao Nga chuyển hướng?
Theo giới phân tích, việc Nga bất ngờ chuyển hướng sang hợp tác nhiều hơn với các quốc gia Ả Rập xuất phát từ lý do nước này cảm thấy rằng những giải pháp chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất giờ đây không còn phù hợp.
Moscow nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm cơ hội để không chỉ tiếp tục nắm quyền kiểm soát Idlib mà còn cả các vùng đệm ở Syria được thiết lập nhằm đảm bảo an ninh cho người Kurd. Điều này sẽ đòi hỏi cả việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát cả Kobani, nơi quân đội Nga được triển khai.
Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Syria theo tiến trình hòa bình Astana. Tuy nhiên, sau khi thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, Nga không còn coi tiến trình Astana là một giải pháp tối thượng vì những bế tắc hiện tại ở Idlib với Ankara không thể giải quyết chỉ bằng lời nói.
Nga được cho là đang xây dựng một hướng đi mới với các nhân tố chính là Tổng thống Syria Bashar al-Assad và người Kurd. Quan trọng nhất là Moscow đang cố gắng đưa người Kurd vào Ủy ban Hiến pháp, một động thái mà chắc chắn sẽ được Mỹ và các nước Ả Rập hoan nghênh.
Ankara có nhiều lý do để nghi ngờ rằng một khi lộ trình giữa Tổng thống Assad và người Kurd được chấp thuận với sự hậu thuẫn của Ai Cập, Saudi và UAE, thì đây sẽ là hai nhân tố lấn át toàn bộ ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sau này trên bàn cờ Syria.
Hiện tại, Moscow đang tận hưởng thực tế có lợi đó là cả Abu Dhabi và Riyadh sẽ hành động thận trọng hơn trong vấn đề Syria, có thể ủng hộ các lợi ích của Nga ở miền Đông Syria cũng như hỗ trợ các nỗ lực của Moscow trong việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước, cho phép người tị nạn Syria trở về nhà.
Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng khó khăn hiện tại ở Idlib đã bộc lộ điểm yếu và sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại và an ninh của nước này hơn bao giờ hết.
Trong con mắt của đối tác Nga và các đồng minh phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã bị kéo vào một tình huống không thể giải quyết và ngày càng trở nên dễ bị phụ thuộc hơn trong việc đạt được mục tiêu và kỳ vọng.
Ngoài ra, sự leo thang ở Idlib đã chấm dứt giấc mơ có được sự hợp tác chiến lược với Nga trên nhiều phương diện. Nó nhấn mạnh một lần nữa rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga sẽ chỉ dừng lại ở những giao dịch nhất thời như trước đây, mà không thể vươn lên tầm cao mới.