Ba năm trước, anh Nguyễn Danh Tân (26 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) mở cửa hàng kinh doanh điện thoại; trong một lần sơ ý, anh đã bị khách lạ lấy trộm ví.
Ba năm sau, anh nhận được một chiếc phong bì chứa đủ số tiền bị mất cắp (8 triệu đồng) trước đây cùng lời nhắn nhủ:
"Số tiền trong ví tôi đã dùng cho bản thân mình. Từ ngày đó, tôi luôn áy náy, day dứt và xấu hổ vì việc làm của mình. Nay tôi xin gửi lại bạn số tiền thuộc về bạn, mong bạn nhận lại và tha thứ cho kẻ trộm giấu mặt này nhé. Cảm ơn và chúc bạn cùng gia đình hạnh phúc, an lành”.
Có người sụt sùi cảm động, đặt niềm tin vào những tên trộm bị cuộc đời xô đẩy, nay đã tìm lại được cái tâm, nhìn thấy tia sáng cuối con đường tăm tối. Có người bán tín bán nghi về tính chân thực trong câu chuyện này, bởi người có lương tâm sẽ không bao giờ đi ăn trộm một khoản tiền tương đối lớn vào thời điểm đó.
Do vẫn “nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” nên tôi không cảm nhận được sự bất thường ở số tài sản bị cuỗm mất hay lá thư xin lỗi nặc danh như những người dùng mạng “tỉnh táo” hơn. Đồng thời, câu chuyện hi hữu ở trên cũng gợi lại cho tôi ký ức một thời về Sóng ở đáy sông - bộ phim từng gây bão màn ảnh nhỏ những năm 2000.
Và dù đã chứng kiến hàng trăm cảnh đời truân chuyên, nghiệt ngã trong các sáng tác nghệ thuật, anh Núi từng ra tù vào tội vì trộm cắp vẫn là nhân vật gây ám ảnh nhất đối với tôi.
Hiển nhiên nếu được lựa chọn, ai trong số chúng ta cũng mong được sống gần lão Hạc, một con người hội tụ bao phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng. Nhưng sẽ có một cái kết toàn vẹn hơn cho Chí Phèo, nếu anh ta thực sự bừng tỉnh, trở lại chính mình trong niềm mong ước của những người thân yêu như anh Núi sau này…
Ngân Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả