Công việc hàng đêm cho đến sáng rất đơn giản, bạn và lính canh có nhiệm vụ đi tuần quanh thành phố, để mắt đến từng con ngõ nhỏ nằm khuất sâu trong bóng tối. Dĩ nhiên vào cái thời nghìn lẻ một đêm này, bạn chắc chắn có nhiều cơ hội vô tình bắt gặp một vài kẻ rình mò và lảng vảng bên ngoài ngôi nhà của các quý tộc, bá tước...
Chắc hẳn, những kẻ lén lút kiểu như vậy không thể là người lương thiện, lệnh khám xét ngay lập tức được thực thi và chúng ta hãy cùng xem bên trong những tấm áo choàng của nghi phạm là những gì? Đó là vài ngọn nến, một chiếc xà beng, dăm cái bánh mỳ cũ, một chiếc đột sắt nhỏ, rồi cái khoan tay, mấy túi cát nhỏ, cuối cùng lạ thay là một con rùa còn sống.
"Thiết bị" của trộm là con rùa
Tất nhiên đó không phải là một con rùa thông thường, trên mình chúng được gắn các móc sắt. Có đến một trăm lẻ một lý do vì sao một người đàn ông trung thực lại mang xà beng đi trong thành phố vào lúc 3h sáng, nhưng chỉ có bọn đạo chích có tổ chức mới ra ngoài vào cái giờ này và mang theo một con rùa kiểu như vậy.
Công cụ quan trọng, không thể thiếu trong kho dụng cụ của những tên trộm Ba Tư là con rùa gắn móc. Nó được bọn trộm buộc dây và nhờ những móc sắt đó, nó có thể leo qua những bức tường cao một cách dễ dàng, khi đã sang được phía bên kia, nó trở thành công cụ do thám, khám phá địa hình và nội thất ở bên trong nhà.
Sở dĩ, chúng ta biết được những thông tin này bởi những tên trộm, những kẻ lang thang không nhà cửa, những kẻ bần cùng, rồi những tên nát rượu, thậm chí cũng có thể là những nhà thơ nhưng nghèo kiết xác… là nhân tố chính hình thành nên thế giới Hồi giáo ngầm. Nhóm tội phạm này được gọi chung là Banu Sasan. Suốt 6 thế kỷ, thành viên của liên minh này tồn tại và hoạt động khắp nơi trên thế giới, từ Umayyad, Tây Ban Nha đến các vùng biên giới Trung Quốc.
Liên minh này có "chiến thuật" hoạt động phạm tội của riêng mình. Các thủ thuật "nhà nghề" của chúng mang đậm màu sắc huyền bí, chỉ được lưu truyền và trao đổi giữa các thành viên trong băng đảng. Ngoài ra, để giữ bí mật, chúng sử dụng tiếng lóng để có thể nhận dạng bè đảng một cách bí mật và nhanh nhất. Các Banu Sasan như một đối ẩn với thời đại vàng son của Hồi giáo. Chính thế lực ngầm này không ít lần được nhắc đến trong những bản thảo cổ xưa của Ba Tư.
Hình tượng kẻ trộm “vĩ đại” Ba Tư thời Trung cổ
Kẻ trộm "vĩ đại" thời Trung cổ
Clifford Bosworth, một sử gia người Anh đã thực hiện một nghiên cứu khá kỹ lưỡng về Banu Sasan. Ông đã đưa ra một bộ sưu tập công cụ nhuốm đầy màu sắc sặc sỡ của những tên trộm mà ông thu thập được một cách đầy chính xác và chuẩn mực.
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu sử học Ba Tư vẫn phỏng đoán về lịch sử cũng như nguồn gốc xuất hiện của Banu Sasan, vì tài liệu được tìm thấy rất ít ỏi. Ngay cả xuất phát điểm của cái tên thôi cũng khiến các nhà sử học đau đầu. Từ các nguồn tư liệu còn sót lại đến ngày nay, nguồn gốc của băng trộm "vĩ đại" này được đặt ra từ hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất cho rằng, những tên tội phạm Hồi giáo kia đã cùng nhau đi theo Sheikh Sasan, hoàng tử Ba Tư bị trục xuất khỏi cung điện, sau này sống một cuộc sống lang thang.
Giả thuyết thứ hai lại cho rằng, tổ chức này là tàn dư của Sasanid, triều đại cầm quyền cũ của Ba Tư, bị những người Ả Rập xâm lăng và xóa sổ vào thế kỷ thứ XII. Bị cai quản và giết bởi những kẻ xâm lăng, theo lý thuyết, người Ba Tư bị ruồng bỏ và phải lang thang ăn xin khắp nơi, điều đó khiến họ phải sống bằng trí thông minh của mình - tức là hành nghề trộm và trở thành những tên trộm "vĩ đại" trong lịch sử Trung cổ ở Ba Tư.
Sự thực là chúng ta không thể đi đến tận cùng gốc gác của Banu Sasan, chỉ biết rằng, thuật ngữ đó từng được sử dụng rộng rãi khắp nơi trong thế giới Hồi giáo. Nó là biểu tượng thần thánh của giới tội phạm và mỗi khi nhắc đến, nhân vật phản diện nào cũng có phần hãnh diện khi nói đến nó. Vậy chúng là ai trong cái thế giới vàng son Hồi giáo ấy?
Theo như nghiên cứu của Bosworth, khá nhiều trong số đó là những ảo thuật gia, những kẻ chuyên bày trò lừa gạt, cả những kẻ tự tuyên bố là nhà tu khổ hạnh. Xuất phát điểm có lẽ thuộc những đô thị phồn hoa và giàu có, tất yếu ở đâu cũng vậy, văn minh giàu có luôn đi kèm với tệ nạn và lừa gạt.
Nhà văn Al-Jahiz là học giả vào thế kỷ thứ IX, ông là người viết quyển Misers, nói về các cách thức đối phó với những kẻ thuộc thế giới ngầm, cũng như các phát hiện của ông về hơn 600 thủ thuật được sử dụng bởi những tên trộm ma quỷ. Trong cuốn sách của mình, ông liệt kê và mô tả khá kỹ rất nhiều phương thức đặt biệt mà bọn trộm tinh vi thường sử dụng. Rồi nhà văn Syria, Jaubari, trong một tác phẩm của mình, ông viết tới 30 chương nói đến 47 thủ thuật khác nhau về giả kim thuật, các cách thức lừa gạt, gian lận, tạo trọng lượng giả cho vàng, bạc trang sức của bọn "đạo chích" Ba Tư thời Trung cổ.
Theo các nguồn tài liệu khác nhau và không chính thức thì một tỷ lệ lớn các Banu Sasan là người Kurd. Thời Trung cổ, thấy sắc dân này là người Trung Đông. Thời đó, trong mắt họ, rặt một phường trộm cắp. Tiếng lóng mà họ sử dụng có nguồn gốc trải dài qua rất nhiều ngôn ngữ, tiếng Trung Ả Rập, rồi nó còn bao gồm cả những thành phần tiếng Byzantine - Hy Lạp, tiếng Ba Tư, Do Thái và Syria.
Bên cạnh đó còn lưu truyền các truyền thuyết về năm thành phần cốt cán của tổ chức Banu Sasan nhưng đều nhuốm một màu kinh khủng về sự tàn bạo mà có lẽ không nên nhắc đến vì có lẽ chúng chỉ là những huyễn hoặc được tạo ra bởi sự thù địch triền miên suốt nhiều thế kỷ qua trong thế giới Hồi giáo.
Bảo Long (Theo Smithosian, Times, Cambride University)