Bạn đọc hỏi: Anh Nguyễn Quốc Hùng (GĐ một công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi, thời gian qua anh bị một kẻ lạ mặt tung lên trang mạng xã hội những thông tin không đúng. Cụ thể, trang mạng xã hội kia thông tin anh có quan hệ ngoài luồng với một nữ nhân viên làm kế toán của công ty X. gần đó.
Hai người cũng có nhiều tin nhắn yêu đương và nhiều lần hẹn hò đi nhà nghỉ. Nội dung tin nhắn này còn thể hiện anh Hùng cho tiền cô X. lên đến 1 tỷ đồng và mua nhà trị giá 1,2 tỷ đồng cho cô này. Vì những thông tin thất thiệt này mà gia đình anh Hùng lục đục.
Anh Hùng đã làm đơn trình báo kẻ tung tin thất thiệt này lên cơ quan công an. Trong lúc đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh điều tra, cô X. vì không chịu được những thông tin thất thiệt đã làm chuyện dại dột nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Mới đây, cơ quan công an cũng đã có thông tin ban đầu về vụ việc của anh Hùng và cho biết thông tin kia là không chính xác, cơ quan chức năng đã xác định được người tung tin thất thiệt và đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý.
Anh Hùng thắc mắc, với hành vi tung tin đồn thất thiệt như vậy thì kẻ tung tin sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư trả lời: Luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, trong vài năm trở lại đây, có nhiều tin đồn thất thiệt được lan truyền trên mạng. Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, “chờ được minh oan” thì nạn nhân đã chịu búa rìu dư luận khá nhiều và nó cũng gây ra những hệ lụy khôn lường.
Đơn cử như ngày 12/9/2017, UBND TP.Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hành chính Đào Xuân H. (26 tuổi, trú huyện Phú Lương, Thái Nguyên) số tiền 12,5 triệu đồng vì hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. H. tung tin hồ Núi Cốc vỡ, nhưng thực tế không phải như vậy.
Theo luật sư Ứng, người tung tin thất thiệt, phát tán một cách vô tình hay có chủ ý đều cần phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, bởi nó ảnh hưởng đến quyền con người được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Căn cứ Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, một trong những hành vi bị cấm đó là việc: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân….
Theo đó việc tung tin sai sự thật về cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức đó là hành vi trái pháp luật. Người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi đó gây ra. Cụ thể:
Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Bên cạnh đó, BLHS cũng quy định hành vi lăng mạ, bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật nếu có dấu hiệu thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị khởi tố về tội Làm nhục người khác (Điều 155 BLHS 2015), tội Vu khống (Điều 156 BLHS 2015).
Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu làm nạn nhân tự sát thì có thể phạt tù lên đến 5 năm (điểm b khoản 4 Điều 155).
Ngoài ra, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù lên đến 7 năm (điểm c khoản 3 Điều 156).
Theo đó, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Còn theo luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư Hà Nội), trong trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 288, Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.