Ngày 4/10, theo ghi nhận của phóng viên, kênh Youtube này chia sẻ nhiều video có nội dung phản cảm, bạo lực, mô tả đời sống giang hồ với các hình ảnh gây gổ, đánh nhau như: "Xử lý thanh niên láo toét thu tiền bảo kê của xe ôm ở bến xe; Đòi lại công bằng cho Tùng Saker bị mấy thanh niên bảo kê thu tiền ở bến xe úp sọt; Xử lý thanh niên ngang nhiên ăn cắp bánh trung thu giữa ban ngày,...".
Trong các clip của "thánh chửi" Dương Minh Tuyền thường có nội dung giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, công khai đăng tải cho khán giả những góc nhìn cận cảnh của đời sống giang hồ đi kèm với lối sống chuyên gây gổ, kiếm chuyện.
Thay vì báo với cơ quan công an khi gặp người vi phạm pháp luật, "thánh chửi" thường sử dụng nắm đấm, bạo lực để xử lý vụ việc. Nhiều người cho rằng nội dụng của các clip hầu hết chỉ là diễn và dàn dựng, nhưng những nội dung mang xu hướng bạo lực công khai này vẫn nằm trong nhóm vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube.
Theo nguyên tắc đã đặt ra, chỉ cần có chứa các cảnh quay, âm thanh và hình ảnh có liên quan đến đánh nhau trên đường phố, tấn công gây thương tích...; cảnh quay hư cấu hoặc có sự dàn dựng bạo lực nhưng người xem không được thông báo trước là đã quá đủ để xử phạt nặng.
Tuy nhiên, chiều 4/10, khi phóng viên truy cập vào kênh YouTube này thì bất ngờ phát hiện kênh của "thánh chửi" cùng với toàn bộ clip đã bị xóa bỏ.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hồng Hưng - Chủ tịch UBND phường Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Dương Minh Tuyền là công dân của phường Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, Tuyền có mở quán kinh doanh bán bia hơi còn việc hoạt động YouTube của Tuyền thế nào thì địa phương không quản lý".
Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công Luật TNHH Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội), trong trường hợp kênh YouTube của Dương Minh Tuyền đăng tải video có nội dung phản cảm, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube thì việc xử lý trước tiên là phải xóa bỏ toàn bộ video vi phạm. Tiếp đó, cần phải xem xét xem nội dung của video đó có gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào hay không để từ đó áp dụng xử phạt với từng mức cụ thể.
Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng , tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi cấm trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Luật sư Vinh cũng cho rằng, mạng xã hội nói chung và YouTube nói riêng được ví như con dao 2 lưỡi ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Việc đăng tải thông tin có nội dung "xấu" sẽ rất dễ khiến người xem bị ảnh hưởng, đặc biệt là giới trẻ gây ra hệ lụy xấu cho xã hội. Bởi những thông tin này có thể sẽ khiến người tiếp cận trở thành chủ thể đưa thông tin xấu độc nếu không đủ tỉnh táo, hiểu biết.
Nguyễn Lâm