Nàng đã có những giây phút được ân sủng không ai sánh bằng, vinh quang tột đỉnh, nhưng cuối cùng lại chịu một cái kết thê thảm nhất trong số tứ đại mỹ nhân.
Dương Quý Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn, là con gái út của Dương Huyền Diễm, một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Do luyện tập từ sớm nên Dương Quý Phi rất giỏi hát múa, cầm kỳ thi họa. Năm 10 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời, nàng phải chuyển đến Lạc Dương sống với bác ruột.
Năm 17 tuổi, bà được Võ Huệ Phi (phi tần của Đường Minh Hoàng) tuyển vào cung làm vợ của hoàng tử thứ 18 là Thọ Vương Lý Mạo. Khi đó, Lý Mạo vẫn còn là một cậu bé, tính tình lại nhút nhát, chỉ thích ngắm mỹ nhân cho nên suốt 3 năm làm vợ, Dương Ngọc Hoàn vẫn chưa được nếm mùi chăn gối.
Có lẽ nàng sẽ chết dần chết mòn như thế trong cảnh vò võ cô đơn nơi cung cấm nếu như không có một biến cố xảy ra. Đó là năm 739, Võ Huệ Phi đột ngột qua đời khiến Đường Minh Hoàng vô cùng đau đớn. Vì quá thương nhớ Huệ Phi, Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) ngày đêm ủ ê buồn rầu, không ăn không uống, bao nhiêu cung tần mỹ nữ cũng không làm nhà vua khuây khỏa. Tổng quản thái giám trong cung là Cao Lực Sĩ thấy Đường Minh Hoàng sầu muộn thì vô cùng lo lắng. Một hôm, Cao Lực Sĩ đi qua phủ Thọ Vương, tình cờ gặp Dương Ngọc Hoàn thì hết sức mừng rỡ chạy về tâu với Huyền Tông. Nghe nói có người còn xinh đẹp hơn cả Huệ Phi, nhà vua dù đang đau khổ tột cùng vẫn tò mò đến cung Thọ Vương xem mặt.
Vừa nhìn thấy dung nhan xinh đẹp của nàng, Đường Minh Hoàng đã hồn xiêu phách lạc. Từ đó, nhà vua thôi không còn nhớ nhung vợ cũ mà chuyển sang yêu thích con dâu và ngày đêm lên kế hoạch để chiếm đoạt nàng cho riêng mình. Đầu tiên, ông truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài, làm đạo sĩ để trông coi đèn nhang cho Võ Huệ Phi. Như vậy, xem như nàng đã xuất gia, không còn là vợ của Lý Mạo nữa.
Tranh vẽ Dương Quý Phi với vẻ đẹp tuyệt thế giai nhân.
Từ ngày Ngọc Hoàn vào cung Hoa Thanh, Huyền Tông thường xuyên đến cung này cầu nguyện, để dễ bề tiếp cận mỹ nhân. Đang khi tuổi xuân phơi phới, khao khát tình cảm lứa đôi lại bao năm không được mưa móc, Ngọc Hoàn nhanh chóng ngã lòng. Huyền Tông vội đưa nàng về cung, lập làm quý phi, sắc phong người bố đã mất của nàng là Dương Huyền Diễn làm Binh bộ thượng thư. Ba chị của Ngọc Hoàn được phong làm phu nhân. Anh họ của nàng là Dương Xuyên cũng được phong tể tướng, đổi tên thành Dương Quốc Trung.
Dương Quý Phi được Huyền Tông sủng ái rất mực. Nàng sống trong cảnh sung sướng tưởng như trên thế gian không ai có thể sánh bằng. Thế nhưng, Huyền Tông khi ấy đã bước vào tuổi 50, sau bao năm hết lòng chiều chuộng các cung tần mỹ nữ sức khỏe suy yếu nhiều, không đủ sức làm vừa lòng cô vợ trẻ đang hừng hực khí thế. Dương Quý Phi vì thế cũng lấy làm bức bối trong lòng khi sự thèm muốn của mình quá cao trong khi sự đáp ứng lại luôn luôn bị thiếu hụt.
Thấy Dương Quý Phi sức xuân phơi phới, dung mạo ngời ngời, mỗi đường nét đều căng tràn nhựa sống, một viên tướng vốn được Huyền Tông rất mực tin dùng, nhận làm con nuôi là An Lộc Sơn đã không cầm được lòng mình mà thương thầm nhớ trộm cả mẹ nuôi. Hiểu được ý đồ của An Lộc Sơn, Dương Quý Phi như thửa ruộng khô cằn nứt nẻ đang khát khao mưa móc, chẳng những không mảy may tức giận, lại còn "bật đèn xanh" để tư thông với kẻ dâm tình. Từ đó hai người thường xuyên hẹn hò, qua lại vụng trộm với nhau mà nhà vua không hề hay biết.
Khi An Lộc Sơn có ý làm phản, bị các quan đại thần trong triều phát hiện, gay gắt tố cáo, Dương Quý Phi khóc đứng khóc ngồi với nhà vua, ra sức bảo vệ người tình trước các luồng dư luận xấu. Huyền Tông vì quá yêu chiều nàng nên đã để mặc An Lộc Sơn tự tung tự tác. Được đà lấn tới, năm 755, An Lộc Sơn ầm ầm dấy binh làm phản, từ quận Ngư Dương đánh thẳng vào kinh đô Trường An, lấy lý do "trừ bỏ gian thần Dương Quốc Trung" nhưng mục đích chính là để đoạt lấy thiên hạ, cướp ngôi vua, cưới Dương Quý Phi làm vợ. Trước khí thế của quân phản loạn, triều đình sớm bị đánh cho tan tác. Thượng hoàng Huyền Tông, Dương Quý Phi cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục. Trên đường chạy loạn, quan quân nhà Đường ra sức gây sức ép với Huyền Tông, buộc nhà vua phải xử tử Dương Quý Phi vì cho rằng nàng chính là mầm sinh đại họa. Dương Quý Phi bị siết cổ chết khi nàng mới 38 tuổi.
Luật nay: Dương Quý Phi “loạn luân” với bố chồng, thông dâm với con nuôi
Tuy có dính đến không ít những chuyện thị phi bên lề nhưng Dương Quý Phi mãi mãi vẫn được người đời sau nhắc đến và hết lời ca tụng về sắc đẹp tuyệt mỹ đến "hoa phải thua, nguyệt phải nhường" của nàng. Vẻ đẹp tuyệt thế giai nhân của nàng đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong việc sáng tác nghệ thuật của các nghệ sĩ xưa nay. Có lẽ, chính bởi nàng quá đẹp cho nên người ta chỉ nhớ đến sắc đẹp của nàng để mà ngợi ca, tán tụng và sẵn sàng bỏ qua tất cả những chuyện thị phi, tai tiếng của nàng.
Những tưởng với một vẻ đẹp khiến cả cỏ hoa, tạo hóa cũng cảm thấy xấu hổ khi đứng gần ấy, Dương Quý Phi hẳn sẽ sống một đời sung sướng với quyền lực vô biên của một bà hoàng nhưng nàng lại có một số phận quá bi thảm và có lẽ là bi thảm nhất trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa. Dường như trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nàng chưa từng được sống một ngày vui trọn vẹn trong đời, hết phải kết hôn với một đứa trẻ chưa hiểu chuyện tình yêu nam nữ, lại phải làm vợ một ông vua già không đủ sức làm chủ chuyện phòng the, để rồi phải cố vớt vát niềm vui trong một mối tình vụng trộm nơi cung cấm và chết thảm không một nấm mồ hoang. Đời nàng có lẽ chỉ gói gọn trong bốn chữ "Hồng nhan bạc mệnh".
Nếu tạm gác lại sự ngưỡng mộ và lòng thương cảm đối với một đại mỹ nhân mà cuộc đời quá nhiều những thăng trầm, cay đắng, người ta vẫn phải thừa nhận những hành vi của Dương Quý Phi là không thể chấp nhận được về khía cạnh đạo đức. Nó có đầy đủ dấu hiệu của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định tại Điều 147 BLHS. Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Hành vi chung sống như vợ chồng được hiểu là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Tuy nhiên, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng, như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát,...
Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong Điều 147 BLHS
Xét trường hợp Dương Quý Phi tuy rất đáng thương khi tuổi xuân đang phơi phới, cháy bỏng những khát khao mà phải vào cung làm vợ một vị hoàng tử "chưa hiểu sự đời", sống vò võ trong cảnh cô đơn nơi cung cấm không người thân thích, không ai bầu bạn tuy nhiên, ở vị trí dưới một người mà trên vạn người, mỗi hành động, lời nói đều phải thận trọng để làm gương cho muôn dân, nàng không được phép mắc sai lầm. Không những lấy bố chồng làm vợ, nàng lại còn thông dâm với cả con nuôi, tiếp tay cho hắn làm phản, gây nên cảnh loạn lạc, máu chảy đầu rơi, tội thật khó dung tha. Bởi vậy, dù rất đáng thương, nàng vẫn khó thoát khỏi sự chê cười của người đời và phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi mà mình đã gây ra. Vì là người trực tiếp liên quan nên An Lộc Sơn cũng phải chịu cùng hình phạt về tội danh trên với Dương Quý Phi.
Dương Dung