Vốn là kẻ tham lam xảo quyệt, nên từ khi được chức, trong địa hạt, hễ xảy ra vụ kiện cáo nào, thì y thừa dịp dùng quyền cùng những thủ đoạn dã man trắng trợn, để đục khoét của cả hai bên. Nhiều nhà vì thế mà bị khuynh gia bại sản. Nhiều người vì thế mà phải tù oan, thân tàn ma dại. Dân chúng dẫu có kêu ca, nhưng do đều đặn đút lót quan trên, nên mọi hành vi của Nguyễn Danh Cử chẳng những không bị phát giác, trừng trị, mà trái lại, đến cuối đời y còn được thăng lên chức Tri phủ.
Do nhiều năm lợi dụng chốn quan trường để làm giàu, nên khi về hưu, tiền bạc của Nguyễn Danh Cử có tới hàng chục vạn. Y bỏ tiền bỏ của ra làm nhà cao cửa rộng và tậu thêm tới bốn chục mẫu ruộng - giàu có vào loại nhất nhì xứ Đoài.
Thế nhưng, cái tiếng là tên quan tham của y, thì không tiền bạc nào có thể gột rửa được, và người ta vẫn còn truyền nhau kể về hậu vận của y như sau: Nguyễn Danh Cử có ba con trai và một con gái. Người con trai trưởng, do thấy rõ những việc làm thất đức của bố, lại cũng không chịu được lời ca thán, nguyền rủa của người nhà các nạn nhân trong vùng, nên đã bỏ nhà, tìm đến một ngôi chùa thật xa quê, rồi xuống tóc đi tu.
Người con trai thứ hai, nhờ bố chạy chọt đút lót, được làm chức cai trong đội quân bảo vệ kinh thành Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay), nhưng do mắc tội trêu ghẹo cung nữ, nên bị xử "cung hình" (bị thiến). Người con trai thứ ba, do được nuông chiều từ bé, về sau lại được nhăm nhe thừa kế gia tài to lớn, nên sinh ra lêu lổng, trác táng. Trong một lần say rượu gây gổ, anh ta bị hai người khác đè ra xẻo mũi mà chết.
Duy còn người con gái, thì từ khi làm Tri phủ Từ Sơn, Nguyễn Danh Cử đã gả cho một gã cường hào ở huyện Đông Ngàn (tức Đông Anh ngày nay). Sau mấy năm về hưu, thấy gia cảnh tan nát, sợ về sau không có người nối dõi, nên Nguyễn Danh Cử cưới thêm một người vợ bé, lúc tuổi đã ngoài bảy mươi. Vài năm sau, người vợ này cũng sinh cho y một đứa con trai.
Thấy vậy, gã con rể ở Đông Ngàn bèn phát đơn, kiện lên tri phủ Vĩnh Tường (vì Phù Khang, Lập Thạch thời ấy là hai huyện thuộc phủ Vĩnh Tường, trấn Sơn Tây) rằng, đấy không phải là con thật của ông ta. Vụ án được lặp lại, như khi Nguyễn Danh Cử còn tại chức. Viên tri phủ Vĩnh Tường cũng ăn của đút, sau đó cũng phán quyết cho gã con rể ở Đông Ngàn thắng kiện. Còn Nguyễn Danh Cử đành phải cứng họng, vì lý lẽ mà tri phủ Vĩnh Tường vận dụng, cũng y hệt như lý lẽ của chính tri phủ Từ Sơn Nguyễn Danh Cử trước đây!
Lại cũng giống với ông nhà giàu ở Yên Phong ngày nào, vài tháng sau Nguyễn Danh Cử do tức giận, cũng nhuốm bệnh nặng mà qua đời.
Luật nay: Viên tri phủ Vĩnh Tường đã phạm tội nhận hối lộ
Qua sự việc trên, xem thế đủ biết, ác giả ác báo xưa nay vốn là những chuyện đã từng. Và người dân xứ Đoài, từ mấy trăm năm nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện này, hẳn là cũng muốn làm lời cảnh báo với những kẻ cường hào, tham nhũng ở tất cả các thời.
Đối với tri phủ Từ Sơn Nguyễn Danh Cử thì trả giả bằng cái chết do tức giận cũng là quả báo rồi. Nhưng xét toàn diện trong vụ án trên thì đặt ra một vấn đề pháp lý khác có liên quan đến gã con rể và viên tri phủ xử kiện.
Viên tri phủ Vĩnh Tường đã ăn của đút, sau đó cũng phán quyết cho gã con rể ở Đông Ngàn thắng kiện. Chiếu theo các quy định của pháp luật ngày nay thì hành vi của viên tri phủ Vĩnh Tường kia đã vi phạm vào Điều 279 BLHS. Tội nhận hối lộ.
Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...
Đồng thời, gã con rể kia đã phạm vào tội đưa hối lộ. Trong vụ án trên, cả viên tri phủ và gã con rể phải bị đưa ra xét xử hình sự.
Tường Linh