Kinh Khanh thích đọc sách, đánh gươm, bàn chuyện kiếm thuật. Không được Vệ vương trọng dụng, Kinh Kha buồn chán mới tìm đến Hàm Đan chơi. Ở đây, chàng gặp kết bạn với một người bán thịt chó và một người giỏi gẩy đàn trúc tên Cao Tiệm Ly.
Ngày ngày, cùng nhau chơi đàn, hoạ thơ, chén tạc chén thù, hát vui, cười khóc với nhau ở giữa chợ, xem như bên cạnh không có người. Tính tình cảm khái, thích đi đó đây, đến nước chư hầu nào Kinh Kha cũng tìm kết bạn với những bậc hiền nhân, trưởng giả ở đó. Khi sang tới nước Yên, nhân sĩ nước Yên là Điền Quang tiên sinh cũng mến mộ đãi ngộ chu đáo.
Lúc bấy giờ, thái tử Yên là Đan đang làm con tin ở Tần quốc trốn về. Đan đã có lần làm con tin ở Triệu mà vua Tần là Doanh Chính lại sinh ra tại đó nên ngày nhỏ vẫn thường làm bạn với nhau. Đến khi Chính được lập làm vua, Đan lại trở thành con tin ở Tần, lúc này vua Tần đối đãi với bạn không tử tế nên Đan giận trốn về, tìm cách báo thù.
Cùng lúc, tướng Tần là Phàn Ư Kỳ có tội với vua, chạy trốn sang Yên. Cúc Võ vốn là thầy học của Đan mới can, e sợ việc dung nạp Ư Kỳ sẽ là hành động khiêu chiến với vua Tần nhưng Đan cảm khái gạt đi.
Tần Thuỷ Hoàng, một trong những vị vua bị coi là mục tiêu hành thích nhiều nhất của lịch sử Trung Hoa.
Thấy không lay chuyển được Đan, Cúc Võ mới bàn việc mời Điền Quang đến để bàn đại sự. Thế nhưng Điền Quang lại một mực chối từ, lấy lý do tuổi cao sức yếu, mới giới thiệu Kinh Khanh cho Đan, Đan lấy làm mừng lắm. Sau khi khích lệ Kinh Khanh, Điền Quang liền tự sát để tỏ rõ nghĩa khí của mình.
Kinh Kha ban đầu còn từ chối, nhưng nghe thái tử Đan bàn đến chuyện an nguy của bá tánh mấy nước chư hầu mới quyết định nhận lời. Sau khi suy tính hồi lâu, chàng mới tìm đến Phàn Ư Kỳ mà nói: "Nước Tần đối đãi với tướng quân có thể gọi là quá thâm độc. Cha mẹ họ hàng đều bị giết, nay nghe nói họ mua cái đầu của tướng quân nghìn vàng, ấp vạn nhà. Nay tôi có một lời, có thể cứu nguy cho nước Yên, báo thù cho tướng quân. C
hỉ có điều, muốn thực hiện được nhất thiết phải xin cái đầu của tướng quân để hiến vua Tần. Vua Tần thế nào cũng mừng rỡ tiếp kiến tôi. Nhân cơ hội đó tôi sẽ nhanh chóng hành thích tên hôn quân ấy". Phàn Ư Kỳ nghe vậy, mới ngửa cổ lên trời vái lạy tổ tiên rồi tự tay đâm cổ chết. Thái tử Đan nghe vậy, đau xót ruổi ngựa đến, khóc rất thảm thương nhưng không làm khác được nên bỏ đầu Ư Kỳ vào hòm và niêm phong lại. Sau đó lại cho người đi tìm trong thiên hạ được cái chùy thủ sắc của Từ phu nhân nước Triệu, mua mất trăm lạng vàng, sai thợ tẩm thuốc độc thử đâm vào người hễ máu chảy ra như sợi tơ là người chết ngay.
Kinh Kha chuẩn bị lên đường, Đan lại cho Tần Vũ Dương, một sát thủ mới 13 tuổi nhưng giết người không ai dám trừng mắt nhìn làm phó. Thái tử và tân khách đều mặc áo mũ trắng để tiễn đưa. Đến sông Dịch Thuỷ, sau khi làm lễ tiễn hành, Cao Tiệm Ly mới gảy đàn trúc, Kinh Kha theo nhịp mà hát theo điệu biến chuỷ, kẻ sĩ đều sụt sùi nức nở: "Gió hiu hắt, chừ, Dịch Thuỷ lạnh ghê/ Tráng sĩ ra đi chừ không bao giờ về". Sau đó chàng lên xe đi, không hề nhìn ngoái lại.
Kinh Kha đến nước Tần, đem nghìn lạng vàng đút cho viên quan trung thứ sử là Mộng gia, bầy tôi yêu của vua Tần. Nghe chuyện đã có cái đầu của Phàn Ư Kỳ, Mộng gia mới đem vào tâu vua. Doanh Chính nghe xong cả mừng, bèn mặc áo chầu, đặt lễ Cửu Cân tiếp kiến sứ giả ở cung Hàm Dương. Kinh Kha bưng đầu Phàn Ư Kỳ còn Tần Vũ Dương bưng tráp đựng địa đồ dâng lên. Nhân lúc vua Tần đang mở địa đồ, vừa mở hết thì cái chùy thủ hiện ra. Kinh Kha liền tay trái nắm lấy tay áo vua Tần, tay phải cầm chuỷ thủ chĩa vào người. Đao chưa chết người, vua Tần sợ hãi vùng đứng dậy, ống áo đứt, vua Tần mới tuốt kiếm, kiếm dài, vua nắm lấy bao kiếm.
Lúc bấy giờ hoảng hốt, kiếm lại chặt nên không tuốt được ngay. Kinh Kha đuổi theo vua Tần chạy quanh cột trụ, các quan luống cuống, gặp lúc hốt hoảng đều mất vẻ mặt lúc bình thường. Theo phép của nước Tần các quan chầu chực ở trên điện không được cầm một tấc binh khí. Các lang trung cầm binh khí đều sắp hàng ở dưới điện, nếu không có chiếu chỉ gọi thì không được đến, lúc bấy giờ gấp quá, các quan ai cũng run nên không cất nên lời. Vì vậy Kinh Kha đuổi vua Tần, các quan vẫn cuống quýt không cách gì đánh trả lại.
Đến khi vua Tần rút được kiếm sau lưng đánh Kinh Kha, chặt đứt bắp vế bên trái. Kinh Kha què bèn cầm chùy thủ ném vua Tần nhưng ném không trúng mà trúng cái cột đồng. Vua Tần lại đánh Kinh Kha, Kinh Kha bị 8 vết thương tự biết công việc không xong bèn tựa vào cột mà cười, ngồi xổm mắng vua Tần. Lúc ấy tả hữu mới lao lên giết chàng.
Kinh Kha chết, vua Tần bèn cả giận ra lệnh cho Vương Tiễn đem quân đánh Yên. 5 năm sau (năm 222 trước Công nguyên) nước Tần diệt gọn nước Yên.
Kinh Kha ám sát hụt Tần Thuỷ Hoàng.
Luật nay: Dù mang danh nghĩa hiệp, tội giết người vẫn rành rành
Hình ảnh tráng sĩ Kinh Kha bên dòng sông Dịch Thuỷ trước lúc lên đường hành thích Tần Thuỷ Hoàng đã trở thành một trong những điển tích nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Truyện bắt nguồn trong dã sử nên thực hư bao nhiêu phần không thể nào xác thực được. Chỉ biết rằng, trong cuộc đời của người được gắn với danh xưng như một bạo chúa là Tần Thuỷ Hoàng thì không ít kẻ thù, đương nhiên những kẻ ủ mưu hành thích là không ít.
Kinh Kha chỉ là một trong số những kẻ đó, tuy mang tiếng là trượng nghĩa, vì đại cục và vì an nguy của bách tính 5 nước chư hầu nhưng về tính chất không có sự khác biệt. Đây đều là hành vi ít nhiều mang tính "cửa sau", giải quyết chuyện đại cục không phải trên chính trường, không phải trên chiến trường mà bằng con đường mập mờ đằng sau cung cấm, cho dù việc có thành cũng không được "chơi đẹp" cho lắm.
Vụ ám sát bất thành, Kinh Kha bị giết hại tại chỗ, nước Yên bị thôn tính không lâu sau đó. Các sử gia đời sau đều cho rằng đây là một nước cờ tính sai của vua tôi nhà Yên và cũng bởi vì "mệnh rồng" của Tần Doanh Chính chưa tới số. Đứng giữa thời cuộc rối ren, các nước phân tranh, bất phân được bên chính bên tà nên việc Kinh Kha ám sát vua Tần ít được luận bàn tới trên cơ sở pháp lý. Xét theo luật nay, khi vén đi bức màn nhung của lịch sử, gạt bỏ đi những thực hư chỉ để lại cái cốt của câu chuyện thì rõ ràng, hoàn toàn có thể khép Kinh Kha vào hành vi cố ý giết người.
Giả sử nếu vụ án xảy ra ở ta thì xét theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2009 thì Kinh Kha sẽ bị phạt tù thấp nhất từ mười hai đến hai mươi năm, cao nhất sẽ phải chịu mức án chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt dành cho những đối tượng có hành vi giết người một cách cố ý và có tính chất nghiêm trọng.
Việc tổ chức giết người của Kinh Kha không phải là hành động bộc phát mang tính chất tự vệ mà hoàn toàn có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, từ việc lên kế hoạch, vẽ ra đường đi nước bước, chuẩn bị vũ khí rõ ràng với sự hỗ trợ của thái tử Đan nước Yên nên hành vi này không thể xem nhẹ. Nếu xét theo điểm (d) khoản 1, Điều 93: "giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân" và điểm (o) khoản 1 Điều 93: giết người có tổ chức thì đây là một tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, bởi Tần Thuỷ Hoàng không chết, bản thân Kinh Kha từ trước vốn không có tiền án, tiền sự gì nên có thể xem là một tình tiết giảm nhẹ hiếm hoi. Như vậy, nếu Kinh Kha không bị giết chết dưới gươm giáo của binh lính nhà Tần thì cũng sẽ phải chịu một mức án tù nghiêm khắc: thấp nhất từ mười hai đến hai mươi năm, cao từ chung thân đến tử hình.
Phần thái tử Đan của nước Yên cũng không thể chối tội. Mang thân là thái tử một nước lại có hành vi "chơi không đẹp", tìm cách ám sát kẻ thù vốn là bạn thuở thiếu thời. Chỉ vì bị đối đãi không tốt mà Đan đã quên mất trọng trách của mình, đang là con tin ở nước Tần để đảm bảo an nguy cho bách tính nước Yên, Đan bỏ trốn về nước đã là một hành động đáng trách, không hoàn thành tốt nghĩa vụ mà quốc gia giao phó. Mặt khác, việc nhờ Kinh Kha ám sát vua Tần, có sự chuẩn bị chu đáo mọi đường đi nước bước đều nằm trong kế hoạch của y.
Chính vì lẽ đó, thái tử Đan cũng bị khép vào tội cố ý giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS. Theo điểm (o) khoản 1 Điều 93: "giết người có tổ chức" và điểm (q) khoản 1 Điều 93, giết người vì động cơ đê hèn, tội của thái tử Đan sẽ bị xử từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật pháp vốn nghiêm minh, không kể thân sơ, địa vị sang hèn, hễ có tội là phải chịu tội, luật xưa luật nay đều có quy định rõ ràng như thế, Kinh Kha và thái tử Đan khó lòng chối tội.
Hón Thỵ