Mới đây, đối tượng Nguyễn Trung Hiếu (30 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Minh Hưng-Hàn Quốc ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) có hành vi nhận là công an, lừa làm giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính đã bị Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã bắt giữ.
Bước đầu xác minh, vào ngày 21/7, trong lúc chờ bạn gái, Hiếu vào một quán cà phê bên đường ở khu phố 5 ngồi đợi. Trong lúc nói chuyện với chủ quán cà phê, Hiếu tự nhận mình là công an và hứa hẹn có thể làm được giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính để gia đình có thể qua các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Cuối câu chuyện, người này hỏi mượn chủ quán 2 triệu đồng với lí do để giải quyết công việc. Vừa ra khỏi quán, Hiếu còn gọi điện mượn thêm 3 triệu đồng và đề nghị chuyển vào tài khoản nhưng chủ quán cà phê từ chối.
Đến sáng 30/7, Hiếu quay lại gặp gia đình chủ quán cà phê thì bị Công an thị trấn Tân Khai giữ lại. Sau đó, đối tượng được bàn giao cho công an huyện Hớn Quản để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Đánh giá về vụ việc, luật sư Giáp Thị Tiền – Phó Giám đốc công ty Luật Ánh Sáng Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Khi tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, nhân dân hoang mang, lo lắng cũng là thời điểm mà không ít kẻ xấu đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi; đơn cử như đối tượng Nguyễn Trung Hiếu trong sự việc trên.
Luật sư Tiền phân tích, bản thân Hiếu không phải là công an, không có chức năng, thẩm quyền thực hiện việc xét nghiệm và cấp giấy xét nghiệm Covid; nhưng trong quá trình nói chuyện với chủ quán cà phê, đoán bắt được tâm lý của chủ quán mong muốn có giấy xét nghiệm Covid – 19 âm tính để dễ dàng, thuận tiện cho việc đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, Hiếu đã nảy sinh ý định lừa đảo bằng thủ đoạn gian dối, nhận mình là công an, có thể làm được loại giấy tờ này.
Chính vì lợi dụng sự tin tưởng của chủ quán cà phê mà sau đó, Hiếu đã mượn được của chủ quán 2 triệu đồng, với lý do là “đi giải quyết công việc”.
Từ phân tích nêu trên, nữ luật sư xét thấy hành vi của đối tượng Nguyễn Trung Hiếu có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo luật định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm,…”.
“Hành vi của đối tượng Hiếu được đánh giá là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản của công dân; gây mất trật tự trị an, bất bình trong quần chúng nhân dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.”, luật sư Tiền nêu quan điểm.
Qua sự việc này, luật sư Giáp Thị Tiền khuyến cáo, để kẻ xấu không có cơ hội lừa đảo, người dân cần hết sức tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống dịch của Nhà nước; thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh, thông tin về quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế và tin tức pháp luật, nắm bắt được các chiêu trò của những đối tượng lừa đảo, trục lợi trong mùa dịch để phòng, tránh, không để “tiền mất, tật mang”.
Về các đối tượng có hành vi vi phạm, luật sư Tiền cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra, xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để giáo dục, răn đe các trường hợp tương tự.