Kết hôn với người nước ngoài: Xấu nhiều hơn tốt

Kết hôn với người nước ngoài: Xấu nhiều hơn tốt

Thứ 7, 14/12/2013 14:15

Theo các chuyên gia tâm lý, xã hội học, trong 100.000 cuộc hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, không ít cuộc hôn nhân có xuất phát điểm thương mại đã để lại hệ lụy tiêu cực trước mắt và lâu dài về tinh thần, thể xác với bản thân người kết hôn, kèm theo đó là hệ quả về kinh tế, văn hóa, an ninh xã hội.

100.000 phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài mỗi năm

Theo thông tin đưa ra tại hội nghị Phụ nữ người Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức lần đầu tại nước ta vừa qua, thì từ năm 2008-2010, có gần 300.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Nghĩa là trung bình mỗi năm có gần 100.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài và con số này tiếp tục tăng lên, trong đó tập trung nhiều ở Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất của phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng người nước ngoài là bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán. Các cuộc hôn nhân thông qua môi giới, thường bị thương mại hóa. Các cô dâu Việt Nam kết hôn khi còn quá trẻ, không có trình độ, công việc và thu nhập nên phải sống phụ thuộc vào chồng, gia đình chồng, nhiều trường hợp bị ngược đãi, bị bất lợi khi ly hôn nhất là vấn đề nuôi con.

Gia đình - Kết hôn với người nước ngoài: Xấu nhiều hơn tốt

 Nhiều cô gái tự biến mình thành “món hàng” cho đàn ông nước ngoài tuyển lựa.

Cách đây không lâu, ngày 27/10, cơ quan điều tra, công an quận Tân Phú, TP.HCM đã phối hợp với phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), công an TP.HCM bắt quả tang nhóm 8 người đang tổ chức buổi “tuyển vợ” cho 3 người đàn ông Trung Quốc. Việc “tuyển vợ” bất hợp pháp trên xảy ra tại một quán ăn điểm tâm  số 004, lô C nằm trong chung cư Vườn Lài (phường Phú Thọ Hoà). 

Theo điều tra ban đầu, 3 người đàn ông Trung Quốc cùng N.T.S (người môi giới) và T.T.L (phiên dịch) đang tiến hành “tuyển vợ” cho những người nước ngoài này. “Ứng cử viên” là 3 cô gái Việt Nam đến từ các tỉnh miền Tây. Trước đó, dư luận cũng từng khá “sốc” khi cơ quan công an liên tiếp phát hiện các cô gái khoả thân, uốn éo cho đàn ông ngoại quốc ngắm nghía, “cân đo”.

Nhiều ý kiến tỏ ra bất bình với những cô gái sẵn sàng coi mình là “món hàng” để đem ra mua bán công khai. Đặc biệt, dư luận vẫn chưa quên các vụ việc cô dâu Việt Nam bị giết hại ở nước ngoài. Những tác động tiêu cực của tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài làm dấy lên không ít lo ngại.

Theo nhận định của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà, ở một quốc gia có 90 triệu dân như Việt Nam, 100.000, phụ nữ chiếm gần 1% dân số kết hôn với người nước ngoài không phải là quá cao so với các nước khác. Ở một số nước như Pháp, Anh, Đức, việc phụ nữ ở các nước này lấy chồng nước  ngoài là bình thường. Trong một thế giới phẳng, sự giao lưu về kinh tế, văn hoá giữa các nước phát triển thì việc kết hôn với người nước ngoài là bình thường.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà cho biết: “Chỉ có một điều khác là ở các nước như Anh, Pháp, họ kết hôn với người nước ngoài trong điều kiện kinh tế, văn hoá tương đương nhau, mức bình quân thu nhập cũng không quá chênh lệch. Còn trường hợp, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ở các nước kinh tế phát triển (không phải là tất cả), nhiều người kết hôn vì lý do kinh tế. Nhiều phụ nữ đang sống ở các khu vực kinh tế còn khó khăn mong muốn làm cuộc kết hôn với người nước ngoài để biến họ thành công dân nước có GDP bình quân cao hơn mấy chục lần”.

Gia đình - Kết hôn với người nước ngoài: Xấu nhiều hơn tốt (Hình 2).

TS. Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Có mâu thuẫn, phụ nữ là người thiệt thòi

TS.Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Một trong những vấn đề lớn nhất của việc kết hôn với người nước ngoài là văn hoá, tập quán, ngôn ngữ khác nhau dẫn đến xung đột, mâu thuẫn. Đó là những điều sẽ tác động trực tiếp đến phụ nữ kết hôn. Tuy nhiên, việc kết hôn với người nước ngoài cũng có nhiều điểm tích cực. Nó tạo ra sự đan xen, tạo ra sự tiếp cận đa dạng văn hoá. Sự tiếp cận này cũng có hai mặt. Người ta tiếp cận được những cái hay, hiện đại ở các nơi khác, ở các nước tiên tiến, có trình độ phát triển kinh tế, xã hội cao hơn nước ta, tạo ra các điều kiện giao lưu để học hỏi được về mặt tích cực”.

Tuy nhiên, theo TS. Minh, hiện nay mặt tiêu cực lại đang nổi lên và được nhìn nhận khá rõ. Đó là sự xung đột về mặt văn hoá giữa các khu vực, các nước với nhau. Chính vì thế, câu hỏi về sự ổn định của các gia đình đó như thế nào? Họ có hoà nhập được với nhau hay không? Đặc biệt khi có khác biệt lớn có thể dẫn đến mâu thuẫn lúc đó, người phụ nữ là thiệt thòi nhất. Họ gần như không có đường lùi, bắt buộc chỉ có một cách duy nhất là phải hoà nhập với người chồng ở nước ngoài. Họ phải chịu rất nhiều khó khăn để có thể hoà nhập được.

Mỗi một người trong quá trình hình thành, trưởng thành nhân cách cá nhân trong môi trường văn hoá quen thuộc, giờ phải gia nhập vào một môi trường mới hoàn toàn, đó là điều không phải dễ với những người hạn chế về tri thức, hiểu biết. Đặc biệt, ngôn ngữ gần như khác biệt hoàn toàn thì họ phải học. Quá trình đó cần phải có thời gian. Như ở Hàn Quốc hiện nay, các cô dâu nước ngoài cần có hướng dẫn, tập huấn, cung cấp cho họ hiểu biết ở chính nơi họ sinh sống. Khi đó họ mới có cơ hội hoà nhập, còn không, những người phụ nữ này sẽ rơi vào tình trạng dễ bị ức chế, cô lập với môi trường xung quanh.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định, thực tế, dư luận cũng đã từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân được nhiều cô gái coi như một con đường để đi tắt đến sự đầy đủ, giàu có. Để đổi lấy cái đó, họ chấp nhận lấy chồng rất già, hoặc tàn tật, không bình thường. Đặc biệt, nó không xuất phát từ tình yêu, thường các cuộc hôn nhân đó xuất phát từ môi giới, với thời gian nhanh chóng, có nơi, phụ nữ để cho đàn ông nước ngoài tuyển vợ như chọn hàng hoá. Những cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu mà từ các động cơ khác, trong đó có cả sự mặc cả thì đó là sự phiêu lưu, mạo hiểm không hứa hẹn hôn nhân hạnh phúc.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, có nhiều việc chúng ta phải làm để con số 100.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đem lại những tác động tích cực. Các cơ quan truyền thông cần đưa ra những yếu tố tích cực và tiêu cực của vấn đề này, cái lợi và không lợi của vấn đề bằng dẫn chứng thực tế, ví dụ điển hình để các cô gái biết, hiểu đầy đủ trước khi lựa chọn. Các cơ quan chức năng, các đơn vị văn hoá nên có sự phối hợp tập huấn để cho phụ nữ hiểu được nơi mà họ sẽ đến sinh sống.

Trong quy định pháp luật, chúng ta cần xem xét khoảng thời gian mà hai người tìm hiểu nhau trong khoảng bao lâu để có thể cho phép kết hôn. Khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm là đủ để cho họ hiểu được vấn đề là có tiếp cận nổi, hoà nhập với văn hoá ở đó không? Có nhiều nhiệm vụ phải làm, từ vấn đề, từ chính sách, tổ chức các hoạt động ra sao để họ hoà nhập với cộng đồng ở đó”, TS. Minh khẳng định.       

Khó có đối xử bình đẳng khi chấp nhận sống lệ thuộc

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà khẳng định, không tình yêu, không hiểu biết về văn hoá, ngôn ngữ bản địa, người phụ nữ lấy chồng như vậy là chấp nhận sống lệ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Có cô gái học hành, nghề nghiệp không đâu vào đâu mà lại lấy chồng ở xứ sở khác hoàn toàn xa lạ, phụ thuộc kinh tế của chồng. Một khi đã lệ thuộc kinh tế sẽ kéo theo nhiều lệ thuộc khác. Bởi vì người chồng biết rằng có đối xử kiểu gì người vợ cũng phải lệ thuộc vào họ thì khó có sự đối xử bình đẳng, tử tế. Những vụ bạo hành, thậm chí bị giết hại của phụ nữ Việt Nam ở xứ người là một trong những hệ lụỵ tiêu cực từ các nguyên nhân trên. Nhiều người phụ nữ chưa hiểu  được hệ quả của việc tự mình trở thành món hàng cho đàn ông nước ngoài lựa chọn thì đã thiệt thân.

Đỗ Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.