Việc 114 thí sinh tại Hà Giang được ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, sở GD&ĐT Hà Giang “phù phép” tăng điểm đã được kết luận. Tuy nhiên, trong kết quả chấm thẩm định lại có điều bất ngờ khi một số thí sinh lại có điểm tăng lên so với lần công bố trước đó.
Cụ thể, theo thông tin từ Hội đồng chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm, nếu đa phần các bài thi có điểm chênh lệch sau khi chấm thẩm định theo hướng bị thấp hơn điểm đã công bố ngày 11/7, thì có một số bài thi được tăng từ 0,2 đến 1,0 điểm.
Cá biệt có 3 bài thi môn Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố. Điểm chênh lệch chỉ 0,5 đã quyết định việc đỗ trượt đại học, vì vậy mức điểm chênh lệch này là rất lớn.
Tuy nhiên, theo logic thông thường, sau khi kết thúc kỳ thi, với các môn trắc nghiệm, thí sinh thường so sánh đáp án mình chọn với đáp án của bộ GD&ĐT. Đa phần thí sinh tự ước lượng và có thể tự chấm điểm cho mình. Nếu thấy điểm thi công bố thấp hơn quá nhiều như vậy thường sẽ có ý kiến, hoặc phúc khảo bài thi.
Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra. Đây cũng là một bất thường, điều bí ẩn trong vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao sau khi tiến hành các bước chấm bài thi trắc nghiệm trên máy, Hà Giang lại để xảy ra tình trạng điểm thi thật của thí sinh bị hạ lên đến 5,75 điểm?
Lý giải về trường hợp cá biệt này, một thành viên trong đoàn kiểm tra thừa nhận, sau khi chấm thẩm định, thí sinh được trả về điểm số thực, thì có một số em có điểm tăng lên so với điểm đã công bố trước đó. Đây mới chỉ là kết quả xác minh ban đầu. Nguyên nhân của việc hạ điểm hoặc tăng điểm cho mỗi thí sinh, cần có sự điều tra kỹ càng hơn, đặc biệt sự vào cuộc của cơ quan công an.
Người này cũng cho biết, đoàn kiểm tra chỉ có chức năng thẩm định, rà soát. Nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ báo cáo cấp trên đề nghị cơ quan công an khởi tố, mở rộng điều tra.