Kết luận mới nhất vụ siêu thị Con Cưng nghi bán hàng giả

Kết luận mới nhất vụ siêu thị Con Cưng nghi bán hàng giả

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 6, 17/08/2018 19:57

Bộ Công Thương kết luận, công ty Con Cưng vi phạm một số quy định về nhãn mác, vi pham hành chính trong hoạt động thương mại, vi phạm quy định về thương mại điện tử.

Tin từ bộ Công Thương ngày 17/8 cho biết, đơn vị này vừa hoàn tất kết luận vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của công ty Cổ phần Con Cưng.

Theo đó, trên cơ sở phản ánh của báo chí và khiếu nại của khách hàng về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của công ty Cổ phần Con Cưng, bộ Công Thương đã chỉ đạo kiểm tra sơ bộ và sau đó đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nội dung nói trên, trong thời gian từ ngày 30/7/2018 đến ngày 10/8/2018.

Tiêu dùng & Dư luận - Kết luận mới nhất vụ siêu thị Con Cưng nghi bán hàng giả

Ông chủ quỹ đầu tư Daiwa-SSIAM II (cổ đông lớn của Con Cưng) Nguyễn Duy Hưng

Sau khi tiến hành kiểm tra đối với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của công ty Con Cưng, đoàn kiểm tra kết luận, về cơ bản công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, qua việc kiểm tra của các chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) đối với 192 vụ kiểm tra đã phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật của công ty.

Cụ thể là, công ty có vi phạm về nhãn hàng hóa được quy định tại các điều 30, 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Công ty có vi phạm về khuyến mại quy định tại điều 48 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với một số chương trình khuyến mại của công ty.

Công ty có vi phạm quy định về thương mại điện tử tại các điều 81, 82, 84 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ đối với hoạt động của website thương mại điện tử bán hàng www.concung.com.

Đối với các vi phạm hành chính, bộ Công Thương đã chỉ đạo cục Quản lý thị trường và các chi cục Quản lý thị trường xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với công ty Cổ phần Con Cưng, bộ Công Thương yêu cầu công ty có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện; tiếp tục rà soát việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động kinh doanh của công ty, báo cáo bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Với các sản phẩm có vi phạm về nhãn mác, yêu cầu công ty khắc phục xong các vi phạm này trước khi đưa vào lưu thông.

Vụ việc của siêu thị Con Cưng bắt đầu khi ông Trương Đình Công Vĩnh (quận Tân Bình, TP.HCM) mua sản phẩm cho em bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) và phát hiện một bộ quần áo có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Ông Vĩnh nghi ngờ các sản phẩm này có thể là hàng giả từ phía công ty Thái Lan hoặc do Con Cưng nhập hàng giả về xong tự gắn mác thương hiệu vào.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, đại diện Con Cưng đã lên tiếng khẳng định "đây chỉ là lỗi về kỹ thuật".

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng lên tiếng

Cách đây vài giờ, Chủ tịch công ty SSI, đồng thời là ông chủ quỹ đầu tư Daiwa-SSIAM II (cổ đông lớn của Con Cưng) – ông Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ cảm xúc về kết luận này của bộ Công Thương trên trang FB cá nhân.

Ông Hưng nói: “Kết luận của bộ Công Thương về Con Cưng là tin vui nhất cho doanh nghiệp và là món quà đặc biệt dành cho những công ty đầu tư gián tiếp vào Con Cưng.

Tuy có vài sai sót nhỏ nhưng Con Cưng đã tuân thủ các quy định của pháp luật về hàng hoá nhập khẩu. Hay nói cách khác là Con Cưng không thay mác làm hàng giả và cũng không bán hàng giả”.

Trước đó, sau khi có thông tin chuỗi siêu thị bán đồ dùng cho mẹ bầu và em bé ở TP.HCM mang tên Con Cưng (concung.com) bị "tố" gắn mác hàng Thái sau khi cắt tem nhãn gốc, ông Hưng đã khẳng khái lên tiếng.

“Hàng thay mác tức là hàng giả không tranh cãi. Người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được. Con Cưng chỉ có một giải pháp duy nhất là công khai bản chất các công đoạn hình thành sản phẩm này. Nếu đây là lỗi cố tình vi phạm thì phải khởi tố hình sự. Nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ vụ này. Trước mắt tất cả những sản phẩm này phải được thu hồi và trả lại tiền cho khách hàng” – ông Hưng viết.

Khẳng định “Tiền rất quý nhưng không thể làm như vậy”, vị doanh nhân dày dạn kinh nghiệm thương trường cũng cho hay: “Thái độ xử lý với hàng giả là không phân biệt của ai, mặc dù một trong các quỹ đầu tư do công ty quản lý quỹ SSI quản lý hiện là cổ đông lớn của Con Cưng nhưng không vì thế mà bao che hoặc kiếm giải pháp không đúng sự thật để xử lý truyền thông”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.