Trong cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn hôm 7/7 (giờ địa phương), cử tri Pháp đã mang đến kết quả bất ngờ ở quốc gia Tây Âu khi trao cho liên minh các đảng cánh tả nhiều ghế nhất nhưng không chiếm đa số tuyệt đối, tạo ra một "quốc hội treo (tình trạng không có bất kỳ một đảng chính trị nào giành được đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử)” và nguy cơ bế tắc chính trị.
Theo kết quả cuối cùng được công bố vào rạng sáng 8/7, liên minh cánh tả, được gọi là Mặt trận Bình dân Mới (NFP), về nhất với 182 ghế, phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về nhì với 163 ghế, trong khi Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen về thứ 3 với 143 ghế.
Kết quả trên đã đảo ngược những dự đoán rằng phe cực hữu, vốn dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 30/6, có thể dễ dàng giành được đa số tuyệt đối. Kết quả của vòng 2 cuộc bầu cử lập pháp hôm 7/7 có nghĩa là cả 3 khối chính trị chủ đạo đều không thể đạt được ngưỡng 289 ghế cần thiết để kiểm soát Quốc hội 577 ghế.
Đó là một tình huống có thể làm rung chuyển thị trường Pháp và nền kinh tế lớn thứ 2 của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời có những tác động sâu rộng đến cuộc chiến ở Ukraine và ngoại giao toàn cầu.
“Đất nước chúng ta đang đối mặt với tình hình chính trị chưa từng có và đang chuẩn bị chào đón thế giới trong vài tuần nữa”, Thủ tướng Gabriel Attal cho biết, đề cập đến Thế vận hội (Olympics) Paris 2024 sẽ khai mạc vào tối 26/7 tới (giờ địa phương). Ông Attal dự định từ chức vào ngày 8/7.
Trong nhiều tuần trước thềm bầu cử, viễn cảnh phe cực hữu lên nắm quyền lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Pháp là tất cả những gì đã được thảo luận. Điều này càng được củng cố với kết quả vòng 1.
Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, Mặt trận Bình dân Mới (NFP), một liên minh được thành lập vội vàng vào phút chót trước thềm bầu cử giữa 4 đảng cánh tả chính – Đảng Xã hội, Đảng Xanh, Đảng Cộng sản và phong trào Nước Pháp bất khuất (LFI) của chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon – đã vươn lên dẫn đầu, trong khi Đảng RN của bà Le Pen rớt xuống vị trí thứ 3.
Điều gì xảy ra tiếp theo vẫn rất không chắc chắn. Thủ tướng Pháp tiếp theo sẽ do Tổng thống Macron lựa chọn. Theo thông lệ chính trị, người đứng đầu chính phủ phải được chọn từ hàng ngũ lực lượng chính trị hoặc liên minh mạnh nhất, tức có nhiều ghế nhất trong quốc hội khóa mới.
Câu hỏi lớn là liên minh cánh tả sẽ đề cử ai làm Thủ tướng. Trong chiến dịch tranh cử, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã chọn không tranh cử với một người đứng đầu, không giống như Đảng RN chọn chủ tịch của đảng này là ông Jordan Bardella làm đại diện, trong khi liên minh trung dung của ông Macron do Thủ tướng sắp mãn nhiệm Gabriel Attal làm đại diện.
Lý do ngầm rất rõ ràng: Các bên trong liên minh NFP sẽ không thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Bây giờ khi NFP đã giành chiến thắng, hàng chục nghị sĩ cánh tả mới đắc cử có khả năng sẽ ra ứng cử vị trí Thủ tướng Pháp, trong đó các ứng cử viên từ Đảng LFI của ông Mélenchon và Đảng Xã hội sẽ là các ứng cử viên “nặng ký nhất”.
Đảng LFI, đảng cấp tiến nhất trong 4 thành viên của liên minh NFP, được dự đoán sẽ giành được nhiều ghế nhất trong số các nhóm cánh tả. Sức mạnh của họ trong quốc hội, kết hợp với sự thể hiện mạnh mẽ của ông Mélenchon trong hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua, sẽ đưa ra những lập luận của LFI để khẳng định rằng người đứng đầu chính phủ tương lai phải đến từ hàng ngũ của họ.
Nếu ông Mélenchon ra ứng cử, vị chính trị gia cánh tả cứng rắn nhất này sẽ không được lòng các cử tri ôn hòa. Các nhà lãnh đạo từ các thành viên khác của NFP trong suốt chiến dịch bầu cử đã kiên quyết rằng họ sẽ không ủng hộ vị chính trị gia 72 tuổi này làm Thủ tướng. Về phần mình, ông Mélenchon cho biết ông sẽ không “áp đặt” mình vào vai trò lãnh đạo.
Những cái tên khác của LFI được đưa ra có thể bao gồm điều phối viên của phong trào cánh tả này là ông Manuel Bompard, lãnh đạo của LFI tại Quốc hội Pháp vừa mãn nhiệm là bà Mathilde Panot, hay các nghị sĩ LFI khác như bà Clémence Guetté và ông Éric Coquerel.
Đứng thứ 2 về số ghế giành được trong cuộc bầu cử lập pháp vừa xong, Đảng Xã hội Pháp có thể cạnh tranh để ứng cử viên của đảng mình trở thành Thủ tướng Pháp tiếp theo. Đảng này có hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ Đảng Xanh trong nỗ lực ngăn chặn LFI nắm quyền kiểm soát.
Các ứng cử viên tiềm năng có thể đến từ thế hệ các nhà dân chủ xã hội mới, bao gồm người đứng đầu hiện tại của Đảng Xã hội là ông Olivier Faure, ông Boris Vallaud, hoặc ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) là Raphaël Glucksmann. Ngoài ra, không loại trừ khả năng ông François Hollande, cựu Tổng thống Pháp xuất thân từ Đảng Xã hội, cũng có thể nhập cuộc.
Minh Đức (Theo ITV News, Politico EU)