Nước Pháp vừa trải qua cơn địa chấn chính trị, với cú “lội ngược dòng” ngoạn mục của phe cực tả trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 7/7 (giờ địa phương). Cuộc bầu cử - được đánh giá là “để lại hậu quả lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ”, đã chứng kiến làn sóng cực hữu bị chặn đứng.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), kết quả bầu cử ở Pháp là tin tốt nhưng cũng là tin xấu, trang Politico đưa tin hôm 9/7. "Điều tồi tệ nhất đã được tránh," một nhà ngoại giao cấp cao của EU phát biểu. Câu nói này được cho là đã phản ánh tâm trạng ở Brussels vào tối 7/7, khi Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen không giành được đa số trong quốc hội. Điều mà nhiều người đã dự đoán sau vòng bỏ phiếu đầu tiên một tuần trước đó.
Thay vào đó, phe cực hữu đứng thứ 3, sau liên minh cánh tả được thành lập vội vàng là Mặt trận Nhân dân Mới (NFP) và phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Việc Đảng RN cực hữu không giành được quyền kiểm soát Quốc hội Pháp sẽ khiến những người có quan điểm ủng hộ châu Âu chính thống hài lòng.
Tuy nhiên, “tin tốt” chỉ dừng ở đó, còn lại là “tin xấu”. Mặc dù liên minh cực tả thành công ngăn chặn phe cực hữu, nhưng không có khối chính trị nào trong 3 khối chính chiếm đa số tuyệt đối, dẫn tới tình trạng “quốc hội treo (tình trạng không có bất kỳ một đảng chính trị nào giành được đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử)”. Tình trạng tê liệt chính trị ở Pháp có thể kéo dài nhiều tháng và gây thiệt hại cho EU.
Tình hình cũng không khá hơn ở Đức. Các đảng trong liên minh cầm quyền trung tả của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có kết quả không như mong đợi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 6.
“Nếu mọi thứ sớm bị đình trệ ở cả Paris và Berlin vì những bất đồng chính trị quốc tế, châu Âu sẽ thực sự gặp vấn đề”, một nhà ngoại giao EU giấu tên nói với tờ Politico.
Tổng thống Pháp Macron có ảnh hưởng lớn ở châu Âu, với tham vọng định hình lại chương trình nghị sự thương mại của EU, thúc đẩy cạnh tranh và bảo vệ công nghiệp, và đặc biệt hướng tới quyền tự chủ chiến lược nhiều hơn cho "Cựu lục địa" trong bối cảnh khả năng trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump ngày càng cao.
Giờ đây, ông Macron sẽ bị mất tập trung vì những rắc rối trong nước. Sau cuộc bầu cử lập pháp, bất kể chính phủ nào được thành lập cuối cùng cũng khó có thể ổn định lâu dài với một quốc hội bị phân mảnh rõ ràng hơn.
Các chính trị gia Pháp cũng phải nghĩ đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027 khi đưa ra các quyết định kể từ bây giờ.
Việc hợp tác giữa các đảng chính thống và cánh tả để ngăn chặn phe cực hữu có thể không xảy ra nữa, và không có gì đảm bảo một ứng cử viên cực hữu sẽ không đắc cử. Bà Le Pen, người đã 3 lần chạy đua vào Điện Elysee, đang chờ đợi “phần thưởng” lớn nhất cho sự nghiệp chính trị của mình: Vị trí Tổng thống Pháp.
“Chính phủ mới có thể sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước hơn là chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nền chính trị Pháp sẽ vẫn bị chia rẽ và khó quản lý, điều này sẽ làm giảm ảnh hưởng của Pháp trên trường châu Âu và quốc tế”, bà Célia Belin thuộc Văn phòng Paris của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), một tổ chức nghiên cứu, cho biết.
Ông Manfred Weber, Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, cho biết trên mạng xã hội rằng, cuộc bầu cử quốc hội sớm do Tổng thống Macron khởi xướng đã “khiến nước Pháp rơi vào tình trạng bối rối”.
Ông Weber cho biết ông “rất lo lắng về luận điệu chống EU của cánh tả và cánh hữu. Chúng ta cần một lực lượng dân chủ mạnh mẽ @lesRepublicains đưa ra một giải pháp thay thế thực sự để đưa nước Pháp trở lại đúng hướng”, ông nói thêm, ám chỉ đảng trung hữu Les Républicains (LR) - một thành viên của EPP và chỉ giành được hơn 8% tổng số phiếu bầu trong cuộc bầu cử ở Pháp.
Theo một quan chức cấp cao của Pháp, mối quan tâm chính hiện nay liên quan đến vấn đề tài chính: “Chúng tôi không biết làm thế nào để thông qua dự luật tài chính trong bối cảnh chính trị này, bất chấp nguy cơ EU cảnh báo Pháp về vấn đề thâm hụt công quá mức”.
Minh Đức (Theo Politico EU, Al Jazeera)