Đua nhau "hiến kế" chống tắc đường sau kỳ nghỉ Tết
Tình trạng tắc đường, ùn ứ cục bộ sau kỳ nghỉ Tết những ngày qua trở thành đề tài nóng hổi khiến dư luận sục sôi tìm hướng giải quyết trong những năm tới. Theo đó, nhiều người dân đã “hiến kế”, đưa ra các phương pháp như: Tránh đi trên Quốc lộ 1 vào những ngày sau Tết, chọn giờ lên TP.HCM sớm hoặc muộn hơn,...
Cho rằng nguyên nhân kẹt xe là do công nhân tại các khu công nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ lên làm việc cùng lúc, ông Trần Trung Thế (50 tuổi, ngụ TP.HCM) đề xuất ý tưởng phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh miền Tây.
Theo ông Thế, việc phát triển các cụm công nghiệp tại các tỉnh miền Tây sẽ giải quyết việc làm cho người dân địa phương. "Nếu có các cụm khu công nghiệp này, người dân tại các tỉnh miền Tây sẽ không phải lên miền Đông làm việc. Từ đó, tình trạng kẹt xe vào dịp sau Tết sẽ giảm nhiệt", ông Thế "hiến kế".
Ngoài ra, ghi nhận của PV còn cho thấy, không ít người dân đã đưa ra giải pháp mang tầm vĩ mô như: Xây dựng tuyến đường sắt, đường thủy nối liền TP.HCM với Cà Mau.
Cụ thể, anh Hoàng Đức Quang (37 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Để giải quyết nạn kẹt xe này, Nhà nước nên làm tuyến đường sắt nối liền TP.HCM - Cà Mau và tỏa ra các tỉnh. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên lên phương án đầu tư làm hệ thống giao thông đường thủy từ TP.HCM xuống các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc này sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 1 và giải quyết nạn kẹt xe tắc đường”.
Cùng chung ý tưởng, anh Lưu Hoàng (40 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, Nhà nước nên mở rộng đường. “Kẹt xe như thế là do hệ thống hạ tầng giao thông nước ta đã cũ kỹ, chật hẹp. Nhà nước nên mở rộng đường nâng cầu và xây thêm hai tuyến đường mới từ đồng bằng sông Cửu Long lên TP.HCM. Một tuyến ven biển dọc Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Trà Vinh - Bến Tre – TP.HCM. Tuyến còn lại là từ Kiên Giang - An Giang - Đồng Tháp - Long An – TP.HCM. Các tuyến đường này tiện cho việc đi lại của người dân cũng như luân chuyển hàng hóa, vận tải...”.
Chuyên gia phản biện
Theo ghi nhận của PV, trong những tranh luận về việc “giải cứu” tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ vào TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết, đa số người dân đều cho rằng hệ thống giao thông của VN, cụ thể là Quốc lộ 1 từ miền Tây về TP.HCM đã quá tải.
Từ đó, giải pháp nâng cấp hệ thống đường bộ, phát triển đường sắt, đường thủy xuống các tỉnh miền Tây được dư luận ủng hộ hơn cả. Tuy nhiên, khi được hỏi về những ý tưởng trên, các chuyên gia giao thông, nhà khoa học,… đều cho rằng các giải pháp trên hoàn toàn không khả thi.
Cụ thể, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý HASCON cho biết, câu chuyện kẹt xe tại các ngả đường từ miền Tây về TP.HCM vào những ngày sau kỳ nghỉ Tết là chuyện hết sức bình thường. Nguyên nhân là do người lao động phải trở về làm việc tại các khu công nghiệp ở TP.HCM và miền Đông sau dịp nghỉ Tết.
“TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,… tập trung đến xấp xỉ 70% công nghiệp của Việt Nam. Nơi đây thu hút rất nhiều lao động từ các tỉnh miền Tây. Sau Tết, nguồn lao động này cùng lúc di chuyển đến TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ làm việc nên xảy ra tình trạng kẹt xe như đã nói. Đó là điều hết sức bình thường và tự nhiên”, TS. Phúc nhận định.
Về hướng giải quyết vấn đề kẹt xe trong những dịp công nhân về làm việc sau kỳ nghỉ Tết, TS. Phúc thừa nhận: “Ai cũng biết nguyên nhân trực tiếp của việc kẹt xe trên là do đường hẹp, hệ thống giao thông của nước ta còn yếu".
"Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề giao thông là việc làm hết sức tốn kém. Ở mỗi quốc gia, trong các đầu tư thì đầu tư giao thông là đầu tư tốn kém nhất. Và, khi đầu tư vào giao thông, Nhà nước phải giải quyết những bài toán rất lớn về kinh tế xã hội chứ không phải chỉ để giải quyết một việc rất “độc đáo”, mỗi năm chỉ xảy ra một lần”, chuyên gia này phân tích thêm.
Do đó, theo ông, thay vì nghĩ đến việc đầu tư mở rộng các hệ thống giao thông, chúng ta nên tìm kiếm các giải pháp xử lý tạm thời, bởi mỗi năm tình trạng kẹt xe kiểu này chỉ xảy ra một lần. Về hướng “xử lý tạm thời”, theo ông có rất nhiều cách.
Tuy nhiên, ông cho rằng cách đơn giản và hiệu quả nhất là khối doanh nghiệp phối hợp bố trí cho công nhân nghỉ Tết lệch ngày. “Làm sao để một nửa khu công nghiệp tại đây cho công nhân nghỉ Tết sớm một ngày, nửa còn lại nghỉ trễ một ngày. Nhờ đó, khi trở về làm việc, sẽ không có tình trạng công nhân đổ về TP cùng một lúc. Cao điểm kẹt xe có thể chỉ còn một nửa”, TS. Nguyễn Bách Phúc cho biết.
Ngoài ra, phản biện lại ý tưởng xây dựng hệ thống đường sắt TP.HCM – các tỉnh miền Tây, TS. Phúc cũng khẳng định đây là việc làm không khả thi. Ông nói: “Cách đây khoảng 1 năm, TP.HCM đã ra quyết định đầu tư đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ với chi phí dự tính 5 tỷ USD, tôi đã đưa ra quan điểm phản bác. Bởi, theo tính toán sơ bộ của tôi, đầu tư này sẽ hoàn toàn bị lỗ".
"Chẳng hạn, theo kinh nghiệm của ngành đường sắt nhiều nước, khi cự ly vận chuyển từ 350km trở lên, thì tàu hỏa sẽ hấp dẫn hành khách hơn là ô tô, vì nằm hay ngồi trên tàu đều thoải mái. Nhưng nếu đoạn đường ngắn hơn 350km, người ta sẽ thấy đi ô tô thoải mái hơn. Nếu lý thuyết này đúng, với cự ly 175km từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ thì đa số hành khách sẽ chọn đường bộ”, ông phân tích.
Cùng quan điểm, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cũng nghi ngờ tính hiệu quả của ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt nói trên. Ông cho biết, đặc điểm địa chất của miền Tây Nam Bộ là nền đất yếu lại thêm tác động của thủy triều nên việc xây dựng đường sắt sẽ gặp nhiều bất cập.
Trưa 10/2 (mùng 6 Tết), bến Phà Đình Khao (tỉnh Vĩnh Long) ùn ứ nghiêm trọng. Tại tỉnh An Giang, các bến phà Vàm Cống, An Hoà, Tân Châu, … cũng tắc nghẽn.
Cùng ngày, các phương tiện đi qua tỉnh Long An cũng chôn chân tại khu vực cầu Bến Lức (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) khoảng 2 – 3km, kéo dài khoảng 3 giờ.
Ngoài ra, đoạn đường “giao nhau” giữa Quốc lộ 62 và tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh qua vùng Đồng Tháp Mười) cũng ùn ứ kéo dài hơn 10km.