- Vừa trở về từ Davos, ông thấy kinh tế thế giới hiện nay đang được các nhà lãnh đạo và giới doanh nhân cảm nhận như thế nào?
- Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay là “Năng động, hồi phục”, nên cái người ta bàn nhiều nhất là chuyện làm sao tăng trưởng trở lại một cách bền vững. Tuy vậy, nhận định chung là kinh tế 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, với 2 lo ngại lớn.
Thứ nhất là nhiều quốc gia, doanh nghiệp chưa tìm được lời giải cho việc quản lý tài chính, dẫn đến những bất ổn của nền kinh tế. Ví dụ như tại châu Âu, các chính phủ có những chi tiêu công vượt quá khả năng thanh toán. Họ lấy tương lai trả cho hiện tại, dẫn đến nguy cơ sụp đổ kinh tế. Đặc biệt, khi một số chính phủ không minh bạch trong chi tiêu, thì khủng hoảng càng thêm trầm trọng.
Vấn đề thứ 2 là thất nghiệp của thanh niên. Tại nhiều nước châu Âu, số người trong độ tuổi lao động lên tới 40 – 50%. Một hội thảo riêng về “Lost generation” (thế hệ bị lãng quên) đã được tổ chức tại diễn đàn, khi người ta lo rằng sau 2 – 3 năm nhận trợ cấp, thanh niên sẽ không còn khả năng đi làm trở lại. Nhiều ý kiến cũng cho rằng khiếm khuyết của ngày hôm nay là do không cải tạo, đổi mới giáo dục từ 20 năm trước, khiến giới trẻ thiếu nhiều kỹ năng trong giai đoạn hạ tầng công nghệ và xã hội thay đổi nhanh như hiện nay. Chủ đề cải cách giáo dục, vì vậy trở nên phổ biến, là một trong những áp lực để khôi phục lại sự năng động của kinh tế thế giới.
- Chia sẻ sau khi trở về từ diễn dàn năm ngoái, ông từng nhận định “cả thế giới đang nhìn về Châu Á, trong đó có Việt Nam như là một động lực tăng trưởng”. Sau 12 tháng, cái nhìn của họ liệu có gì thay đổi?
- Với châu Á thì cái nhìn của vẫn vậy, rất tích cực. Nhưng điểm sáng của châu Á năm nay là Myanmar. Năm ngoái, các nhà đầu tư mới hào hứng khi nói về đất nước này thì năm nay họ thực sự đi kiếm tìm cơ hội. Các nhà lãnh đạo của Myanmar đã có cuộc gặp riêng với các nhà đầu tư và rất được quan tâm. Giới doanh nhân nhận định rằng các nhà lãnh đạo đang thực sự làm việc với tinh thần quốc tế rất cao, quyết đoán và mọi việc chuyển biến rất nhanh. Đối với Trung Quốc, tôi thấy đã bắt đầu có những dấu hiệu đánh giá cẩn trọng hơn với nền kinh tế này, chủ yếu là do tăng trưởng nóng và lạm phát.
Riêng về Việt Nam, cảm giác của tôi là chúng ta còn là một tiếng nói tương đối xa lạ tại diễn đàn. Lãnh đạo các nước và giới doanh nghiệp vốn có mối quan hệ thân thiết, mạng lưới rộng khắp từ nhiều năm. Trong khi tiếng nói của Việt Nam còn yếu, chưa có nhiều quan hệ. Việc tụt 10 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh năm qua cũng là một rào cản lớn khi thúc đẩy quan hệ với các đối tác, khiến sức hút đối với các nhà đầu tư giảm khá nhiều.
Ông Trương Gia Bình trong cuộc gặp với CEO Dell - Michael Dell tại Davos. Ảnh: FPT
- Là lãnh đạo một doanh nghiệp, ông cảm nhận như thế nào khi kêu gọi đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
- Theo kinh nghiệm, tôi cho rằng muốn thu hút đầu tư, anh trước hết phải tăng trưởng ở một tốc độ nhất định. Chẳng hạn GDP tăng đều đều trên 8% thì nhà đầu tư sẽ tự tìm đến. Thứ 2 là phải có sự ổn định, lạm phát ở mức một vài phần trăm thôi. Còn trượt qua khỏi vòng đó, Việt Nam cũng như tất cả các nước khác.
Thực sự tôi thấy kêu gọi đầu tư vào Việt Nam hiện nay là một việc vô cùng khó. Bạn bè tôi làm việc tại các quỹ cũng chia sẻ điều này. Với họ bây giờ muốn gọi vốn, phải định hướng cho các quỹ đầu tư vào Đông Dương hoặc tầm khu vực thì mới khả thi. Chứ vào Việt Nam nói riêng thì rất khó.
Tuy vậy, nói gì thì nói, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư có cảm tình với Việt Nam. Họ vẫn giữ quan điểm cho rằng Việt Nam là một đất nước năng động, trẻ trung, có tương lai. Điều họ mong muốn là Việt Nam cần phải tiếp tục đi theo con đường cải cách và đổi mới. Như vậy, niềm tin của họ mới có thể lại lâu dài.
- Với bản thân doanh nghiệp của mình, ông đánh giá như thế nào về khả năng thu hút đầu tư hay hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới?
- Tại Davos, công nghệ luôn là một trong những chủ đề hàng đầu. Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trên thế giới hiện tập trung vào công nghệ sẽ thay đổi toàn diện công việc kinh doanh, hạ tầng, cộng đồng cũng như cuộc sống của mỗi người. Những mũi nhọn này hoàn toàn trùng lặp với chiến lược thông minh (smart) mà FPT theo đuổi. Tôi nhận thấy tại diễn đàn, bất cứ câu chuyện nào nhắc tới smart, câu chuyện đó đều dẫn tới cuộc gặp tiếp theo để bàn chuyện làm ăn.
Chẳng hạn khi gặp CEO Nissan – Carlos Ghosn và nói rằng “chúng tôi muốn và có thể làm cho chiếc xe của ông thông minh hơn”, ngay lập tức chúng tôi có một cuộc hẹn để bàn tính khả năng tiếp theo. Tương tự trong cuộc gặp với Michael Dell của Dell, chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều cơ hội để đưa tập đoàn này mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Nói chung không chỉ có FPT mà công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đang là cơ hội của Việt Nam. Ban thư ký Diễn đàn Kinh tế thế giới vừa rồi có thảo luận với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) về việc soạn thảo một báo cáo chuyên đề về công nghệ thông tin đến phát triển đến nền kinh tế xã hội tại Việt Nam. Báo cáo này dự kiến được hoàn thiện trong năm này, trình bày tại New York năm 2014 và được đăng trong các báo cáo WEF. Tôi cho rằng đây là một cách giúp Việt Nam nhìn nhận thêm những vấn đề cần tập trung làm, cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
- Trải qua một năm 2012 nhiều khó khăn và chờ đợi một năm 2013 cũng không ít sóng gió, với tư cách một người lãnh đạo doanh nghiệp lâu năm, ông tư vấn gì đối với những người làm kinh doanh năm nay?
- Tôi nghĩ tình hình của năm 2013 cũng như những khó khăn, về cơ bản không khác mấy so với năm qua. Trong khó khăn, quan trọng nhất là tinh thần đối mặt với thực tiễn, cần kiên định tinh thần, giữ vững niềm tin, chấp nhận nó và tỉnh táo vượt qua.
Trong những năm khó khăn, doanh nhân cần tranh thủ thời gian sắp xếp, thu dọn lại doanh nghiệp của mình một cách thông minh nhất. Cần tập trung vào những cái mà chũng ta có thể phát triển và kiên quyết với những phần không có khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, phải bằng mọi cách phải giải quyết những tồn đọng của mình, như hàng tồn, công nợ…
Trong thời gian sản xuất chưa thể phát triển mạnh cần tập trung nêu cao khả năng chống khủng hoảng: quản trị tốt hơn, thông tin phải thông suốt hơn, chọn lọc lãnh đạo xứng đáng hơn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể vừa chống chọi với khó khăn, vừa sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo VnExpress